Gần 65% doanh nghiệp ngành Công Thương cải thiện được năng suất

Được đánh giá là đơn vị đi đầu trong triển khai Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực triển khai Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" và đạt kết quả đáng khích lệ.

Năm 2012, Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012. Đây là một trong 9 Dự án thành phần thuộc Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020

Ngay sau khi Dự án được phê duyệt, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo, điều hành và cơ quan giúp việc đặt tại Vụ Khoa học và Công nghệ để tổ chức, thực hiện Dự án. Trong giai đoạn 2021-2020, bám sát nội dung và mục tiêu được giao, Ban chỉ đạo, điều hành Dự án đã lựa chọn ưu tiên và phương thức triển khai phù hợp cho từng thời điểm; linh hoạt trong tổ chức thực hiện để đạt được nhiều kết quả có thể coi là rất quan trọng.

năng suất chất lượng ngành công thương
99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động của Dự án mang lại hiệu quả rõ nét

 

Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động của Dự án mang lại hiệu quả rõ nét, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp (98%), 64,7% các doanh nghiệp có cải thiện về năng suất, 56,9% doanh nghiệp có cải thiện về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí nguyên nhiên vật liệu 54,2%, 47,1% doanh nghiệp có cải thiện về thời gian giao hàng…

Hỗ trợ của Dự án cũng đã giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp. Hiện có 94,8% các mô hình điểm tiếp tục duy trì sau khi kết thúc dự án, trong đó, 22,2% mô hình được mở rộng.

Xây dựng nhiều mô hình điểm

Theo ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, tính đến hết giai đoạn Dự án, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng 468 mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại, tập trung chủ yếu cho 08 ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Các mô hình được lựa chọn được Dự án tiếp cận mang tính hệ thống. Trong giai đoạn đầu của Dự án, các mô hình điểm là những công cụ, hệ thống có tính nền tảng đối với hoạt động quản trị của doanh nghiệp. Ở giai đoạn tiếp theo, Dự án tập trung vào hỗ trợ triển khai áp dụng các hệ thống quản lý có tính đặc thù cho các ngành, các công cụ cải tiến hiện đại, tích hợp, đi vào vấn đề chiến lược phát triển của doanh nghiệp và mô hình tổng thể trong hoạt động cải tiến.

Nhưng trước xu hướng phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năm 2019-2020, Bộ Công Thương đã có những thay đổi rất nhanh, đẩy mạnh triển khai các mô hình điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, xây dựng các công cụ số hóa để hỗ trợ triển khai mở rộng các công cụ truyền thống.

Từ những mô hình điểm này, các đơn vị tư vấn đã phát triển nhiều sản phẩm có liên quan như: tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu điển hình, đào tạo sâu cho doanh nghiệp… để nhân rộng và lan tỏa các kết quả từ các mô hình điểm.

Nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động cải tiến

Truyền thông là điểm đặc biệt của Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" trong những năm qua. Bởi ngay từ khi bắt đầu, công tác truyền thông cho Dự án đã hoạt động rất bài bản.

năng suất chất lượng ngành công thương
Bộ Công Thương tập trung vào các hoạt động đào tạo, bao gồm cả đào tạo nhận thức và đào tạo chuyên sâu

 

Được đánh giá là có vai trò đặc biệt quan trọng trong thành công của Dự án nên trong thời gian chưa đầy 10 năm, truyền thông Dự án  đã triển khai linh hoạt, dưới nhiều hình thức khác nhau như đăng tải thông tin trên trang website điện tử của Dự án, bản tin chuyên đề, chuyên san về hoạt động năng suất, chất lượng, phim tư tài liệu về các điển hình …

Ông Trần Việt Hòa cho biết, đối với đối tượng là các doanh nghiệp, Bộ Công Thương tập trung vào các hoạt động đào tạo, bao gồm cả đào tạo nhận thức và đào tạo chuyên sâu trong việc ứng dụng, thực hành, duy trì các hệ thống, công cụ cải tiến.

Ngoài các khóa tập huấn được triển khai độc lập, hoạt động đào tạo được triển khai đồng thời trong quá trình xây dựng các mô hình điểm. Hoạt động này đảm bảo khả năng duy trì hoạt động cải tiến liên tục, trên cơ sở các hỗ trợ ban đầu của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tiến hành đào tạo để hình thành mạng lưới các chuyên gia tư vấn cải tiến tại các đơn vị cung cấp tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp cũng như đội ngũ cán bộ tại doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực hệ thống phòng thí nghiệm

Một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án này là góp phần hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN và nâng cao năng lực của hệ thống các phòng thí nghiệm, phục vụ công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa của Bộ Công Thương.

Theo báo cáo, tính đến hết thời điểm năm 2019, số lượng TCVN liên quan đến ngành Công Thương khoảng 6.387 TCVN (chiếm 53% tổng số TCVN), số lượng QCVN của Bộ Công Thương là 46 QCVN, chiếm khoảng 7%. Với Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" từ khi triển khai thực hiện, đã xây dựng được 71 dự thảo tiêu chuẩn TCVN, 62 dự thảo QCVN.

Triển khai xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xây dựng 70 QCVN và 17 TCVN đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương với mục tiêu bao quát và điều tiết đầy đủ các hoạt động của ngành Công Thương, đồng bộ về bố cục và nội dung, có tính hội nhập quốc tế cao.

năng suất chất lượng ngành công thương
Nhà xưởng của Công ty Ô tô Trường Hải (THACO) đã thay đổi sau khi tham gia các dự án cải tiến năng suất của Bộ Công Thương

 

Trong năm 2019-2020, Bộ Công Thương đã hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực cho Phòng thử nghiệm trong lĩnh vực giấy, bao bì; hỗ trợ 15 Phòng thí nghiệm triển khai, áp dụng mới/chuyển đổi theo tiêu chuẩn ISO 17025:2016. Từ kết quả hỗ trợ này, đã góp phần tăng cường năng lực cho hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp, từ đó phục vụ tốt hơn mục tiêu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành Công Thương.

Lĩnh vực nào được ưu tiên trong giai đoạn 2 của Dự án?

Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp Việt có cơ hội tăng năng suất từ 15-30% (thậm chí lên tới 40-45%) chỉ thông qua cải tiến quy trình, tổ chức lại sản xuất, giảm lãng phí, sai lỗi, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị … Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Dự án trong giai đoạn 2021-2030. Ông Trần Việt Hòa chia sẻ, việc xây dựng Giai đoạn 2 của Dự án này sẽ được thực hiện trên cơ sở phát huy những thành công, đồng thời khắc phục những hạn chế trong tiếp cận và triển khai ở giai đoạn 1.

Theo đó, ưu tiên phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, bao gồm tập trung vào đào tạo đội ngũ cán bộ thực hành cải tiến tại doanh nghiệp và đội ngũ chuyên gia tư vấn, vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động cải tiến; vinh danh các nhóm giải pháp hiệu quả, điển hình cho hoạt động cải tiến trong ngành, lĩnh vực.

Mặt khác, tập trung xây dựng các mô hình tổng thể triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp, từng bước hình thành các mô hình quản trị thông minh, nhà máy số. Đồng thời, lựa chọn đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo chiều sâu nhằm tăng cường năng lực cho một số đơn vị nghiên cứu, tư vấn chuyên ngành trong việc nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào trong hoạt động sản xuất, quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

năng suất chất lượng ngành công thương
Giai đoạn 2 của Dự án ưu tiên công tác đào tạo đội ngũ cán bộ thực hành cải tiến tại doanh nghiệp và đội ngũ chuyên gia tư vấn

 

Bộ Công Thương đang trong quá trình triển khai xây dựng Dự án giai đoạn 2 và nhận được sự tham gia hết sức tích cực của các chuyên gia, cán bộ đến từ các đơn vị tư vấn, viện, trường, đơn vị cung cấp giải pháp, công nghệ, các hiệp hội và đặc biệt từ bản thân các doanh nghiệp. Ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh, tổ công tác soạn thảo Dự án đang gấp rút hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để triển khai Chương trình trong giai đoạn 2. Hy vọng Dự án giai đoạn 2 sẽ tiếp tục mang lại những hiệu quả và đột phá đối với vấn đề nâng cao năng suất và chất lượng của các doanh nghiệp ngành Công Thương.

Sachi Nguyễn