Phát biểu tại cuộc Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, sáng 29/6, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hương cho biết, GDP Quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của Quý 2 các năm trong giai đoạn 2011 - 2020.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%; khu vực dịch vụ giảm 1,76%.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân là do kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội.
Như vậy, 6 tháng đầu năm, GDP tăng 1,81%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng GDP đạt 6,71%.
Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong Quý II là khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng gần 3%, đóng góp vào hơn 73% tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Tiếp đến, khu vực dịch vụ tăng trưởng gần 1%, đóng góp gần 15% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng hơn 1%, đóng góp vào tăng trưởng gần 12%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, GDP tăng trưởng dương nhưng có mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và thế giới thì con số 1,81% vẫn là mức tăng trưởng khá. Động lực tăng trưởng cho nền kinh tế là công nghiệp chế biến chế tạo.
Trả lời câu hỏi việc đẩy mạnh giải ngân đầu công có thể hỗ trợ nền kinh tế như thế nào trong bối cảnh hậu dịch bệnh, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp cho biết, nếu hoàn thành việc giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay thì GDP sẽ tăng thêm 0,42 điểm phần trăm.
Cũng theo ông Thúy, nếu đầu tư công tăng 1% thì đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP và kéo theo ngành xây dựng tăng 1,34 điểm phần trăm. Vốn đầu tư công sẽ chủ yếu đi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tạo vốn mồi cho những dòng vốn và giá trị sản xuất khác. 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt trên 33%.
Mới đây IMF cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam chỉ còn 2,7% và sẽ lấy lại đà tăng trưởng 7% vào 2021. Đồng thời, ADB cũng có động thái tương tự, điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm, xuống mức 4,1% cho cả năm nay.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân.
Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm", Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011 - 2020.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%...
Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2020 tăng 0,66% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp và giá thịt lợn tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6. Bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020 .
"Kết quả trên cho thấy thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Đồng thời, vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.