Giá cà phê hôm nay 10/7: Tăng ngày thứ 4 liên tiếp, khách hàng châu Âu gấp rút nhập hàng

Giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước tăng ngày thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh giá Robusta thế giới đã vượt mốc 4.400 USD/tấn. Đáng chú ý, các nhà rang xay châu Âu đang đẩy nhanh tiến độ nhập hàng.

Giá cà phê hôm nay ngày 10/7/2024 tại thị trường trong nước

Giá cà phê hôm nay
Tham khảo giá cà phê hôm nay ngày 10/7/2024 tại khu vực Tây Nguyên.

Giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng ngày thứ 4 liên tiếp, với mức tăng thêm từ 1.000 - 1.600 đồng/kg. Qua đó, đưa mức giá cà phê trung bình lên quanh ngưỡng 126.000 đồng/kg. Cụ thể:

Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tăng 1.600 đồng/kg, đạt 125.700 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng tăng 1.600 đồng/kg, đạt 125.100 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai tăng 1.600 đồng/kg, đạt 125.700 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông tăng 1.000 đồng/kg, đạt 125.600 đồng/kg.

Lưu ý: Các giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê gần nhất để được tư vấn cụ thể.

Theo nhận định của một số chuyên gia ngành hàng và chia sẻ từ đại diện các doanh nghiệp, hiện nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu đang tăng tốc nhờ xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước khi Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực kể từ đầu tháng 1/2025.

Mặc dù trong những tuần gần đây, nhiều hiệp hội doanh nghiệp tại châu Âu đề nghị lùi thời hạn áp dụng EUDR nhưng Uỷ ban châu Âu (EC) kiên quyết giữ nguyên thời hạn trên.

EUDR yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra 9% sản phẩm nhập khẩu liên quan đến từ các nước có nguy cơ phá rừng cao và 3% sản phẩm từ các nước có rủi ro phá rừng trung bình. Tuy nhiên, do sức ép từ các nước sản xuất, EC tạm thời phân loại rủi ro phá rừng ở mức trung bình đối với tất cả các nước để họ có thời gian thích ứng với quy định mới.

EUDR được đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu việc nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và yêu cầu các biện pháp thẩm định và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt đối với các mặt hàng trong đó có cà phê.

Ông Helen Bellfield, Giám đốc chính sách tại tổ chức phi lợi nhuận Global Canopy, cho biết đơn đặt hàng cà phê trồng tại Ethiopia hiện đã giảm do các nhà nhập khẩu châu Âu lo ngại nhiều vườn cà phê ở nước này được phát triển trên đất rừng trước đây. Trong khi đó, Peru cũng đang đối mặt vấn đề thiếu thông tin về nguồn gốc cà phê trồng trên đất rừng ở Amazon.

Đối với Việt Nam, ngay sau khi EUDR được phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã bắt đầu chuẩn bị để các tỉnh trồng cà phê bước vào cuộc chuyển đổi. Một kế hoạch quốc gia được vạch ra, trong đó có chi tiết về thời gian triển khai thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến nơi trồng cây cà phê và các cơ chế để truy xuất nguồn gốc thông tin này nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu hàng vào châu Âu.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Lê Minh Hoan, EUDR có thể giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xu hướng canh tác bền vững, vốn là “một sự thay đổi không thể tránh khỏi”, “một sự thay đổi khó khăn nhưng nếu không thay đổi chúng ta còn khó khăn hơn nữa”.

Giá cà phê hiện tại cũng đang được hỗ trợ từ lo ngại sản lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ tới sẽ rơi xuống mức thấp kỷ lục mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2023/2024 ước giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn, thấp nhất trong 4 năm.

Dự báo sản lượng niên vụ 2024/2025 sẽ tiếp tục giảm dưới tác động lan toả của hiện tượng El Nino trong niên vụ trước, tình trạng sâu bệnh tại một số khu vực, và diện tích cây trồng bị thu hẹp do nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác có lợi ích kinh tế cao hơn.

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) hiện dự báo lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng 7, tháng 8, tháng 9 tới đây sẽ giảm dần, do nguồn cung dần hết. Phải chờ sang tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu, thì nguồn cung cà phê của Việt Nam mới tăng trở lại.

Cộng thêm nguồn cung cà phê các nước xuất khẩu lớn trên thế giới giảm do thời tiết như Brazil sẽ khiến giá cà phê có xu hướng tăng trong thời gian tới, theo VICOFA.

Theo dõi giá cà phê được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá cà phê hôm nay ngày 10/7/2024 tại thị trường thế giới

Theo dữ liệu mới nhất, giá cà phê thế giới đồng loạt bật tăng mạnh.

Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2024 tiếp tục tăng thêm 2,16%, đạt 4.442 USD/tấn.

Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tiếp tục tăng 3,63%, lên mức 242,9 US cent/lb.

Như vậy, giá cà phê Arabica và Robusta đều đã đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2024 đến nay. Tính chung quý 2/2024, giá cà phê Robusta đã tăng hơn 18,1% và giá cà phê Arabica tăng 20,6%. Động lực tăng giá chủ yếu đến từ lo ngại khô hạn tại Việt Nam và Brazil sẽ khiến sản lượng niên vụ tới thấp hơn kỳ vọng.

Volcafe - một trong những hãng giao dịch cà phê uy tín trên thế giới đã dự báo thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt 4,6 triệu bao cà phê Robusta (60 kg/bao) trong niên vụ 2024/2025. Mặc dù mức thiếu hụt này thấp hơn mức thâm hụt 9 triệu bao của niên vụ 2023/2024 nhưng đây là năm thứ 4 liên tiếp thị trường ghi nhận tình trạng này.

Báo cáo Cam kết vị thế COT mới nhất của những Nhà giao dịch từ thị trường cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe cho thấy các quỹ đầu cơ đã giảm nhẹ vị thế mua ròng. Tính đến ngày 9/7, tổng lượng đăng ký vị thế mua ròng mới của các quỹ này là 31.745 Lô tương đương với 5,29 triệu bao.

Tường Vy