Trong phiên giao dịch tối ngày 6/5 (theo giờ Việt Nam), giá ngô giao tháng 7/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) giao dịch quanh mốc 7,91 USD/giạ (25,4 kg/giạ).
Giá đậu tương giao tháng 7/2022 giao dịch quanh mức 16,24 USD/giạ (27,2 kg/giạ) và giá lúa mì giao tháng 7/2022 giao dịch quanh mức 11,10 USD/giạ (25,4 kg/giạ).
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết giá các loại ngũ cốc chính trên sàn CBOT đang trải qua tuần giao dịch nhiều biến động trước hàng loạt thông tin mới. Thị trường hiện tập trung quan sát triển vọng sản lượng ngô vụ Safrinha của Brazil khi thời tiết diễn biến cực đoan và việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ tinh chế, khiến tình trạng thiếu hụt dầu thực vật trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn.
Đối với mặt hàng ngô, tình trạng thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động canh tác ngô của Brazil. Cụ thể, một đợt khô hạn kéo dài hơn 25 ngày qua đang đe doạ ít nhất 30% diện tích canh tác ngô tại bang Mato Grosso. Trong khi đó, bang Paraná lại đối mặt với mưa to và mưa đá. Đây là hai bang canh tác ngô vụ Safrinha (mùa vụ thứ hai trong năm) lớn của Brazil.
Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường ngũ cốc của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.
Theo báo cáo hàng tuần của Sàn giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 của Argentina tiếp tục được giữ tại mức 49 triệu tấn. Diện tích canh tác ngô được đánh giá có chất lượng tốt hoặc xuất sắc hiện chiếm 19% tổng diện tích canh tác ngô của Argentina, tăng 1% so với mức đánh giá trong tuần trước. Diện tích canh tác ngô được đánh giá có chất lượng xấu hiện ở mức 23% tổng diện tích canh tác, giảm 1% so với mức đánh giá trong tuần trước. Trong khi đó, doanh số bán ngô niên vụ 2021/2022 trong tuần này của Argentina hiện đạt 888.000 tấn, tăng mạnh 34% so với tuần trước và tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường hiện cũng tập trung quan sát tác động từ đứt gãy nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine đến thị trường lương thực toàn cầu trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine khó sớm chấm dứt. Giá ngô nói riêng và giá các loại ngũ cốc nói chung đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 2 vừa qua sau khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang đánh giá tác động từ đợt phong toả phòng chống Covid-19 của Trung Quốc đối với triển vọng nhu cầu nông sản. Trung Quốc tiếp tục phong toả hoàn toàn hoặc siết chặt các hạn chế tại nhiều thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến nhằm kiểm soát đợt lây nhiễm Covid-19 mới. Sự suy yếu trong tiêu dùng khi hàng trăm triệu người buộc phải ở nhà và các hoạt động sản xuất kinh doanh phải ngưng lại sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu sử dụng các loại ngũ cốc trong ngắn hạn.
Đối với mặt hàng đậu tương, BAGE đã giảm dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2021/2022 của Argentina trong bối cảnh diện tích cây trồng được đánh giá có chất lượng tốt hoặc xuất sắc chỉ chiếm 16% tổng diện tích canh tác, giảm tới 2% so với mức đánh giá trong tuần trước. Đồng thời, diện tích canh tác đậu tương được đánh giá có chất lượng xấu tăng thêm 3% lên mức 26% tổng diện tích canh tác của Argentina.
Tại Trung Quốc, lượng tồn trữ đậu tương trong tuần kết thúc vào ngày 24/4 đã đạt 3,81 triệu tấn, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp. Sản lượng nghiền đậu tương tại nước này trong tuần đã đạt 1,65 triệu tấn, tăng mạnh 0,24 triệu tấn so với tuần trước. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn khoảng 0,13 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) cho biết Trung Quốc đã hoàn thành đến 90% kế hoạch thu mua đậu tương cho tháng 5/2022 và đạt 50% kế hoạch thu mua cho tháng 6/2022. CNGOIC ước tính lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 5/2022 sẽ đạt hơn 8,5 triệu tấn.
Thị trường hiện quan sát diễn biến liên quan đến việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ từ các sản phẩm dầu cọ đã tinh chế. Trước đó, Indonesia đã quyết định ngưng xuất khẩu dầu cọ thô kể từ ngày 28/4 nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và kiềm chế đà tăng nóng của giá thực phẩm nội địa. Những động thái này khiến thị trường toàn cầu lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thực vật trên toàn cầu sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới và dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng nhiều nhất trong công nghiệp chế biến thực phẩm trên thế giới.
Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá tại đây.
Nhiều nhà phân tích nhận định việc Indonesia ngưng xuất khẩu dầu cọ sẽ là cú sốc đáng kể đối với thị trường khi rất nhiều quốc gia đang phụ thuộc mạnh vào dầu cọ để giải quyết việc thiếu hụt nguồn cung dầu hạt hướng dương, dầu hạt cải và dầu đậu nành.
Tuy nhiên, ông Sathia Varqa, đồng sáng lập hãng phân tích thị trường dầu cọ Palm Oil Analytics (Singapore), nhận định lệnh cấm của Indonesia có thể được dỡ bỏ trong vài tuần tới. Một số nguồn tin từ Hội đồng Dầu cọ Indonesia cũng cho biết lệnh cấm xuất khẩu của Chính phủ Indonesia sẽ chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn.
Trong hơn 2 năm trở lại đây, giá các loại dầu ăn đã tăng mạnh do tình trạng thiếu hụt lao động vì đại dịch Covid-19 và vụ mùa kém tại Nam Mỹ đã khiến sản lượng suy giảm. Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đã khiến thế giới lâm vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung dầu hướng dương và khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu ăn trở nên nghiêm trọng hơn.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy giá dầu đậu nành trong năm 2019 đạt 765 USD/tấn nhưng đã lên tới 1.957 USD/tấn trong tháng 3/2022. Giá dầu cọ đã tăng hơn 200% trong cùng khoảng thời gian trên và thậm chí đạt mức cao kỷ lục mới sau khi Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ thô.
Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.
- Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
- Website: https://saigonfutures.com
- Hotline: 0903.352.961