Vào lúc 9h00 sáng nay ngày 13/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 giảm 1,18% xuống mức 92,92 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 cũng giảm 1,12% còn 86,80 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng 1,3% lên 94 USD/thùng và giá dầu thô WTI tăng 1,1% lên 87,78 USD/thùng.
Trong thời gian gần đây, giá dầu thô liên tục biến động, chịu sự chi phối đan xen giữa lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng tăng cao, có thể khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm xuống và lo ngại nguồn cung dầu thô có thể sẽ giảm xuống trong thời gian tới khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây tăng lên.
Trong phiên giao dịch ngày 12/9, giá dầu thô được nâng đỡ chủ yếu nhờ thông tin từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DoE) cho biết lượng dự trữ dầu thô chiến lược (SPR) của Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 9/9 đã giảm mạnh 8,4 triệu thùng xuống còn 434,1 triệu thùng - mức thấp nhất kể từ hồi tháng 10/1984. Điều này đã khiến thị trường trở nên lo ngại về tình trạng căng thẳng nguồn cung có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.
Vào tháng 3, Hoa Kỳ đã triển khai kế hoạch xả bán ra thị trường 1 triệu thùng dầu/ngày từ kho SPR trong vòng 6 tháng nhằm hạ nhiệt đà tăng vọt giá nhiên liệu. Giới chuyên gia nhận định chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang chịu áp lực lớn trong việc tiếp tục duy trì việc xả bán dầu thô từ kho SPR khi kế hoạch hiện tại dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 10.
Trong ngày 11/9, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cảnh báo có rủi ro giá xăng tại Hoa Kỳ lại tăng vọt cuối năm nay khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ đầu tháng 12 tới đây.
Trong khi đó, các quốc gia thuộc nhóm G7 có thể sẽ áp trần giá đối với dầu thô của Nga nhằm hạn chế nguồn tài chính của Nga cho các hoạt động quân sự tại Ukraine. Hiện tại, giới chức Hoa Kỳ và EU vẫn chưa đưa ra mức trần giá cụ thể đối với dầu thô của Nga. Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn một số tài liệu của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy mức trần giá có thể ở khoảng 60 USD/thùng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo có thể ngưng xuất khẩu dầu thô và khí đốt đến châu Âu nếu như các nước phương Tây tìm cách áp đặt trần giá đối với dầu thô của Nga.
Ở một diễn biến khác, Pháp, Anh và Đức vừa đồng loạt cho biết “cực kỳ quan ngại” về tiến trình đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhận 2015 giữa Iran và các cường quốc phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ. Thất bại trong việc khôi phục thoả thuận hạt nhân này sẽ khiến nguồn cung dầu thô từ Iran khó có thể tiếp cận thị trường quốc tế và tình trạng căng thẳng nguồn cung trên toàn cầu sẽ còn kéo dài.
Thị trường hiện đang tập trung đánh giá nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Dữ liệu mới nhất cho thấy tổng lượng dầu thô được Trung Quốc nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004 ghi nhận sự sụt giảm trong nhập khẩu dầu thô 8 tháng đầu năm của Trung Quốc.
Hãng phân tích thị trường năng lượng Energy Aspects (Anh) nhận định nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc trong năm nay có thể giảm 0,38 triệu thùng/ngày xuống còn 8,09 triệu thùng/ngày. Trung Quốc hiện đang phải phong toả hàng chục thành phố, bao gồm các trung tâm kinh tế và sản xuất quan trọng, nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đang chuẩn bị tiếp tục nâng lãi suất cơ bản lên cao hơn nữa nhằm kiềm chế lạm phát vốn đang ở mức cao kỷ lục trong hàng chục năm trở lại đây.