Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô đã tăng mạnh hơn 4,1% khi thị trường lo ngại Nga có thể ngưng xuất khẩu năng lượng sang châu Âu. Tuy nhiên, tính chung cả tuần trước, giá dầu thô vẫn giảm nhẹ khoảng 0,2% khi tâm lý thị trường chịu sự chi phối bởi lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc sẽ ở mức yếu khi quốc gia này đang phong toả nhiều thành phố để kiểm soát dịch Covid-19.
Tâm lý này tiếp tục đè nặng thị trường trong phiên giao dịch sáng nay (ngày 12/9). Cụ thể, vào lúc 9h00 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 giảm 1,44% xuống mức 91,54 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 cũng giảm 1,49% xuống mức 85,50 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích thị trường Vivek Dhar thuộc tập đoàn ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết “Thị trường đang lo ngại về nhu cầu sử dụng nhiên liệu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và chính sách zero-COVID của Trung Quốc.”
Giới phân tích nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đang chuẩn bị tiếp tục nâng lãi suất cơ bản lên cao hơn nữa nhằm kiềm chế lạm phát vốn đang ở mức cao kỷ lục trong hàng chục năm trở lại đây. Điều này có thể khiến đồng USD tăng giá hơn nữa so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến các loại nguyên liệu thô vốn được định giá bằng đồng USD trên thị trường hàng hoá giao sau như dầu thô trở nên “đắt đỏ” hơn với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Trong tuần trước, ECB đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - mức tăng cao nhất kể từ khi khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) được hình thành trong bối cảnh lạm phát tại Eurozone chạm mức cao kỷ lục 9,1% trong tháng 8 vừa qua. Mức lạm phát này cao gần gấp 5 lần so với mức mục tiêu 2% mà ECB đã đề ra.
Dự kiến FED sẽ có phiên họp định kỳ vào ngày 21/9 tới đây. Trong thời gian gần đây, nhiều quan chức của FED phát đi tín hiệu cho thấy FED kiên định theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát và nhấn mạnh hậu quả của lạm phát cao, kéo dài nghiêm trọng hơn các tác động kinh tế do việc nâng lãi suất gây ra.
Trong khi đó, dữ liệu mới nhất cho thấy tổng lượng dầu thô được Trung Quốc nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004 ghi nhận sự sụt giảm trong nhập khẩu dầu thô 8 tháng đầu năm của Trung Quốc.
Hãng phân tích thị trường năng lượng Energy Aspects (Anh) nhận định nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc trong năm nay có thể giảm 0,38 triệu thùng/ngày xuống còn 8,09 triệu thùng/ngày. Trung Quốc hiện đang phải phong toả hàng chục thành phố, bao gồm các trung tâm kinh tế và sản xuất quan trọng, nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
Tuy nhiên, một số phân tích nhận định giá dầu thô thế giới vẫn có thể bật tăng trở lại trong giai đoạn từ nay đến cuối năm trong bối cảnh nguồn cung dầu thô trên thị trường có thể suy giảm khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga của EU có hiệu lực kể từ ngày 5/12 tới đây.
Bên cạnh đó, nhóm G7 đang phát đi tín hiệu cho thấy sẽ áp trần giá đối với dầu thô của Nga nhằm hạn chế nguồn tài chính của Nga cho các hoạt động quân sự tại Ukraine. Hiện tại, giới chức Hoa Kỳ và EU vẫn chưa đưa ra mức trần giá cụ thể đối với dầu thô của Nga.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn một số tài liệu của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy mức trần giá có thể ở khoảng 60 USD/thùng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo có thể ngưng xuất khẩu dầu thô và khí đốt đến châu Âu nếu như các nước phương Tây tìm cách áp đặt trần giá đối với dầu thô của Nga.