Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 73,15 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas đạt 68,18 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá cả hai loại dầu thô chủ chốt của thị trường năng lượng thế giới giảm 1,5% sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cho biết mặc dù cơ quan này tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6 nhưng có thể sẽ tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ trong năm nay. Điều này khiến giới đầu tư lo ngại môi trường lãi suất cao hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Hiện mặt bằng lãi suất tại Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất 15 năm trở lại đây.
Đồng thời, lãi suất tại Hoa Kỳ tăng lên sẽ kéo theo sự lên giá của đồng USD so với các đồng tiền khác trên thị trường, khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên “đắt đỏ” hơn với giới đầu tư, giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư này so với các kênh đầu tư khác. Trong đầu phiên giao dịch sáng nay, chỉ số US Dollar Index (DXY) - đo lường sức mạnh của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt trên toàn cầu đã tăng 0,5%.
Việc FED tạm dừng tăng lãi suất trong phiên họp tháng 6 khớp với nhận định của thị trường và giới chuyên gia phân tích đưa ra trong những ngày gần đây. FED sẽ tiếp tục họp bàn về chính sách tiền tệ trong tháng 7. Chính sách lãi suất của cơ quan này sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế thời gian tới, trong đó có thị trường việc làm. Hiện dữ liệu mới nhất cho thấy thị trường lao động tại Hoa Kỳ vẫn mạnh.
Thị trường hiện nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất cơ bản trong phiên họp ngày hôm nay (theo giờ địa phương) trong bối cảnh lạm phát tại châu Âu vẫn còn ở mức cao. Điều này sẽ đẩy mặt bằng lãi suất tại châu Âu lên mức cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây. Ngoài ra, khảo sát mới nhất của Reuters đối với các nhà kinh tế học cũng cho thấy Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát.
Những thông tin này khiến giới đầu tư ngày càng lo ngại về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô thời gian tới ở khu vực châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã rơi vào suy thoái kỹ thuật với hai quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng GDP âm. Đáng chú ý, Đức – nền kinh tế lớn nhất Eurozone cũng rơi vào suy thoái kỹ thuật với sản lượng kinh tế giảm sâu hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, giá dầu thô còn chịu áp lực giảm từ việc dự trữ nhiên liệu tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng mạnh hơn dự báo. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại nước này trong tuần trước đã tăng khoảng 8 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm 0,5 triệu thùng của giới phân tích đưa ra trước đó. Dự trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ cũng tăng lên. Điều này có thể cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chững lại mặc dù thị trường đã bước vào mùa cao điểm tiêu thụ.
Giới đầu tư hiện tập trung theo dõi các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc nhằm đánh giá triển vọng nhu cầu sử dụng dầu của nước này. Vừa qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc trong năm nay lên mức 15,7 triệu thùng/ngày.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết Trung Quốc vừa phân giao hạn ngạch nhập khẩu dầu thô lần thứ 3 trong năm nay với tổng mức nhập khẩu dầu thô trong nửa đầu năm 2023 dự kiến lên đến 194,1 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu sử dụng dầu của Trung Quốc hiện là một trong những yếu tố chủ chốt chi phối giá dầu thô trong nửa cuối năm nay.