Trái ngược với đà phục hồi tích cực trong tuần trước với mức tăng hơn 2%, khởi đầu tuần này, giá dầu thô quay đầu giảm trở lại khi thị trường nghi ngờ triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc.
Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent và WTI cùng giảm khoảng 0,6%. Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 76 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 70,96 USD/thùng.
Một loạt định chế tài chính lớn trên thế giới như Nomura (Nhật Bản), Standard Chartered (Anh), JPMorgan (Hoa Kỳ) và UBS (Thuỵ Sĩ) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay xuống còn khoảng 5,1% - 5,7%, thấp hơn nhiều so với mức 5,5% - 6,3% được nhận định trước đây.
Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi tái mở cửa đang chậm dần và không mạnh như kỳ vọng. Phản ứng với rủi ro giảm tốc tăng trưởng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PbOC) trong tuần trước đã hạ lãi suất đối với các khoản cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm. Đây là lần đầu tiên trong 10 tháng qua, PbOC hạ lãi suất MLF.
Các chuyên gia phân tích nhận định PbOC nhiều khả năng sẽ ra thông báo hạ lãi suất đối với các khoản vay dài hạn trong ngày hôm nay (theo giờ địa phương). Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết Chính phủ Trung Quốc đang xem xét tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế thời gian tới.
Thị trường dầu mỏ hiện tập trung đánh giá triển vọng nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là nền kinh tế Trung Quốc, nhằm điều chỉnh dự báo cung - cầu dầu thô.
Ông Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy (Na Uy), cho biết: “Triển vọng thị trường dầu mỏ thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm nay, vào hiệu quả kích thích kinh tế của nước này, cũng như sự ổn định kinh tế tại Hoa Kỳ và châu Âu, nhằm tránh đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào giai đoạn tăng trưởng thấp đi kèm lãi suất cao”.
Giá dầu thô cũng chịu áp lực giảm khi dữ liệu cho thấy lượng xuất khẩu dầu thô và sản lượng khai thác dầu của Iran vừa chạm mức cao kỷ lục, bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang áp đặt lên ngành dầu khí nước này. Điều này sẽ khiến nguồn cung dầu trên toàn cầu tăng lên.
Ông Daniel Ghali, Chiến lược gia thị trường hàng hoá tại tập đoàn TD Bank (Canada), nhận định “Xét về mặt tâm lý, thị trường đang khá bi quan về triển vọng giá dầu, nhưng nhìn từ một góc rộng hơn, giới phân tích vẫn đang kỳ vọng rằng nguồn cung dầu thời gian tới sẽ bị thiếu hụt đáng kể.”
Vừa qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh quyết định sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng khai thác như hiện nay cho đến cuối năm 2024, thay vì cuối năm nay như dự kiến ban đầu.
Đồng thời, Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ giảm sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới đây và để ngỏ khả năng sẽ duy trì biện pháp này nếu cần thiết. Mức cắt giảm này tương đương 1% tổng nguồn cung dầu toàn cầu. Saudi Arabia và Iran hiện đều là thành viên của OPEC.