Vào lúc 7h55 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã giảm 33 cents tương ứng 0,5% xuống 64,06 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 37 cents tương ứng 0,6% xuống 58,85 USD/thùng. Giá dầu thô chịu áp lực giảm sau khi số liệu mới nhất từ Chính phủ Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của quốc gia này trong tháng 11/2019 đã giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2018, đánh dấu tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Điều này đã khiến thị trường lo ngại tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, làm giảm nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 11/2019 chỉ đạt 38,73 tỷ USD, thấp hơn mức 42,81 tỷ USD trong tháng 10/2019. Trước đó, các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters dự báo kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2019 sẽ tăng 1% và thặng dư thương mại đạt 46,30 tỷ USD.
Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang tiến hành đàm phán thoả thuận thương mại sơ bộ với mục tiêu hướng đến thoả thuận thương mại toàn diện, chấm dứt các xung đột thương mại. Tuy nhiên, hai quốc gia đều chưa đạt được đồng thuận trong các vấn đề cốt lõi. Trong ngày 5/12, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cho biết các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc “đang đi đúng hướng” cho dù Trung Quốc kiên quyết yêu cầu Hoa Kỳ phải dỡ bỏ thuế quan nhắm vào hàng hoá Trung Quốc trước thì nước này mới ký kết thoả thuận thương mại. Trong một động thái gần nhất, Trung Quốc đã bất ngờ tuyên bố dỡ bỏ thuế quan nhắm vào mặt hàng đậu tương và thịt lợn của Hoa Kỳ vào ngày 7/12. Đáng chú ý, đậu tương là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Hoa Kỳ sang Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 14 tỷ USD trước thời điểm xảy ra chiến tranh thương mại.
Trong tuần trước (2-6/12), giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã lần lượt tăng 3% và 7% trong bối cảnh khối OPEC+ (bao gồm các nước thành viên khối OPEC và các quốc gia đồng minh khai thác dầu ngoài khối OPEC) đã đồng ý đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác lên mức 1,7 triệu thùng/ngày – tương đương 1,7% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trong quý 1/2020, tăng 500.000 thùng/ngày so với mức cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày hiện nay. Ả-rập Xê-út - quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất khối OPEC cho biết nước này có thể đẩy mạnh cắt giảm sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày, nâng tổng mức cắt giảm sản lượng của khối OPEC+ lên mức 2,1 triệu thùng/ngày.
Kể từ năm 2017, khối OPEC+ đã thực hiện các đợt cắt giảm sản lượng khai thác nhằm cân bằng thị trường khi Hoa Kỳ đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến. Hoa Kỳ hiện đã vượt qua Ả-rập Xê-út và Nga để trở thành quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.