Chốt phiên giao dịch ngày 8/6, giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 1,50 USD tương ứng 3,6% xuống mức 40,80 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 1,36 USD tương ứng 3,4% xuống còn 38,19 USD/thùng; chấm dứt mạch tăng giá kéo dài 7 ngày liên tiếp.
Trong đầu phiên giao dịch hôm qua giá dầu thô đã bật tăng nhờ quyết định kéo dài việc cắt giảm sản lượng khai thác khổng lồ của liên minh OPEC+ đến cuối tháng 7/2020, thay vì kết thúc vào cuối tháng 6/2020 như kế hoạch trước đây. Tuy nhiên, sau khi Ả-rập Xê-út, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cùng cho biết sẽ không tình nguyện gia tăng mức cắt giảm sản lượng khai thác như đã làm trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, giá dầu thô giao dịch vào cuối phiên đã chịu áp lực giảm mạnh.
Kể từ ngày 1/5, liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lên tới 9,7 triệu thùng dầu/ngày tương đương khoảng 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu nhằm hỗ trợ giá dầu thô trong bối cảnh dư cung trầm trọng và nhu cầu sử dụng dầu mỏ ở mức yếu vì đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Ả-rập Xê-út, Kuwait và UAE tình nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1,18 triệu thùng dầu/ngày, nâng tổng mức cắt giảm sản lượng thực tế của liên minh OPEC+ lên gần 11 triệu thùng/ngày.
Tại Hoa Kỳ, quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới, một số hãng khai thác dầu đá phiến tại đây đã bắt đầu tái mở cửa các giếng khai thác trong bối cảnh giá dầu thô đang dần phục hồi. Giới phân tích cảnh báo việc gia tăng sản lượng khai thác dầu đá phiến của ngành năng lượng Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi mong manh của thị trường dầu mỏ và khiến các nỗ lực nâng đỡ giá dầu thô của liên minh OPEC+ tiêu tan.
Sự bùng nổ sản lượng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến giá dầu trong tháng 3/2020 vừa qua khiến Ả-rập Xê-út và Nga tăng cường khai thác ở mức cao nhất để giành thị phần, khiến giá dầu thô sụp đổ với giá dầu thô Brent chạm ngưỡng 15 USD/thùng; giá dầu thô WTI lần đầu tiên trong lịch sử xuống dưới 0 USD/thùng.
Bên cạnh đó, Ả-rập Xê-út cũng đã nâng mức giá bán dầu thô chính thức (OSP) của nước này cho tháng 7/2020. Giá OSP của Ả-rập Xê-út là mức giá chuẩn để các nước khai thác dầu thô khác trong khu vực Vùng Vịnh xác định giá bán dầu thô cho các đối tác. Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết việc giá OSP tăng phản ánh nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu đang phục hồi.
Tuy nhiên theo ông Bob Yawger, giám đốc bộ phận giao dịch năng lượng thị trường tương lai tại hãng chứng khoán Mizuho (New York, Hoa Kỳ) “Việc sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ tăng trở lại và sự gia tăng mạnh giá bán dầu thô của Ả-rập Xê-út sẽ giết chết các nhà máy lọc dầu vốn đang gặp khó khăn tại khu vực Châu Á.”