Lúc 10h04 sáng nay (ngày 8/6, theo giờ Việt Nam), giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã giảm 0,1% xuống 8,66-1/2 USD/giạ (27,2 kg). Trong phiên giao dịch cuối tuần trước (5/6), giá đậu tương trên sàn CBOT đã có lúc chạm mức 8,74 USD/giạ - mức cao nhất kể từ ngày 1/4/2020.
Trong tuần trước, giá đậu tương tại thị trường Hoa Kỳ đã bật tăng mạnh nhờ các thông tin cho thấy Trung Quốc đang gia tăng thu mua đậu tương từ Hoa Kỳ bất chấp thông tin cho biết Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh nước này ngưng mua nông sản từ Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới và cũng là thị trường nhập khẩu đậu tương lớn nhất của Hoa Kỳ.
Hãng tin Reuters cho biết, tính đến cuối tuần trước (5/6), giới xuất khẩu đậu tương tại Hoa Kỳ đã ghi nhận các đơn hàng xuất khẩu lớn sang thị trường Trung Quốc ngày thứ 4 liên tiếp. Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thu mua đậu tương từ Hoa Kỳ trong tuần này trong bối cảnh giá đậu tương tại Brazil đang tăng lên. Trong ngày 5/6, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết đã có 588.000 tấn đậu tương được bán ra.
Hãng tin Retuers dẫn lời một hãng giao dịch đậu tương quốc tế tại Singapore cho biết “Giá đậu tương giao tháng 9 – tháng 12/2020 của Hoa Kỳ hiện thấp hơn so với đậu tương Brazil và Trung Quốc hiện đang gia tăng nhập khẩu đậu tương cho quý 4/2020 từ Hoa Kỳ.”
Trên sàn CBOT, giá ngô đã tăng 0,1% lên 3,31-1/2 USD/giạ (25,4 kg) và ghi nhận ngày tăng giá thứ ba liên tiếp trong bối cảnh thị trường kỳ vọng việc giá dầu thô phục hồi tăng mạnh sẽ giúp gia tăng sức hấp dẫn của sản phẩm nhiên liệu sinh học ethanol. Khoảng 1/3 sản lượng ngô được Hoa Kỳ thu hoạch hàng năm được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol.
Trong khi đó, giá lúa mì theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT đã giảm 0,3% xuống mức 5,13-1/2 USD/giạ (27,2 kg), đánh dấu phiên giảm giá thứ 2 liên tiếp. Hãng tin Interfax (Nga) cho biết dự kiến sản lượng lúa mì năm 2020 tại khu vực phía nam Starvopol của Nga sẽ giảm 40% so với năm ngoái do thời tiết lạnh và khô hạn. Starvopol là một trong những khu vực canh tác lúa mì lớn nhất của Nga.