Lúc 8h20 sáng nay (ngày 29/9, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đã giảm 17 cents tương ứng 0,4% xuống còn 40,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tương lai cũng giảm 17 cents tương ứng 0,4% xuống mức 42,26 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô thế giới đã tăng khoảng 1%.
Trong phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô cũng như giá các loại hàng hoá khác đã tăng lên chủ yếu nhờ việc các nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ của Hoa Kỳ công bố dự luật cứu trợ các tác động của đại dịch Covid-19 mới với tổng quy mô lên tới 2.200 tỷ USD. Người phát ngôn của Nhà Trắng Nancy Pelosi cho biết đây là phương án thoả hiệp, hàm ý đến những xung đột gay gắt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà xung quanh các biện pháp cứu trợ kinh tế mới vốn kéo dài nhiều tháng trở lại đây.
Chiến lược gia thị trường Stephen Innes thuộc hãng tư vấn chứng khoán AxiCorp nhận định “Nếu như dự luật này được thông qua thì dòng tiền cứu trợ của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng dầu thô tại nước này và giá dầu thô có thể quay trở lại ngưỡng cao như trước tháng 9/2020”.
Trong tháng 8/2020, giá dầu thô Brent và WTI đã chạm mức cao kỷ lục kể từ hồi tháng 3/2020 nhờ giới đầu tư lạc quan kỳ vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ tăng trở lại và các quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới cắt giảm mạnh sản lượng khai thác. Trong giai đoạn tháng 3/2020 – 4/2020, giá dầu thô đã có lúc giảm xuống dưới 0 USD/thùng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu và làm sụp đổ nhu cầu sử dụng nhiên liệu.
Hiện giá dầu thô đang chịu áp lực giảm mạnh khi số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng cao trở lại tại nhiều quốc gia, một số nước đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tại Canada, bang Quebec đã buộc phải đóng cửa các quán bar, nhà hàng và nghiêm cấm các hoạt động tụ tập tại nhà nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 đợt hai. Bang Ontario, bang đông dân nhất Canada, cũng đã ghi nhân đến 700 ca nhiễm mới mỗi ngày trong những ngày gần đây.
Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng dầu thô được Nhật Bản nhập khẩu trong tháng 8/2020 đã giảm 26%. Nhật Bản hiện là quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 4 thế giới, sự suy giảm này có thể cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu vẫn còn ở mức yếu. Hiện thị trường đang tập trung theo dõi diễn biến nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất toàn cầu. Dữ liệu về mức tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước sẽ được Viện Dầu khí Hoa Kỳ và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ công bố vào ngày 30/9 (theo giờ địa phương).
Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy giới quan sát dự báo lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm 1,4 triệu thùng nhưng lượng tồn trữ xăng dầu sẽ giảm 1,6 triệu thùng.
Về phía nguồn cung, thị trường cũng tập trung theo dõi diễn biến xung đột giữa Armenia và Azerbaijan về tranh chấp lãnh thổ tại vùng Nagorno -Karabakh. Giới phân tích dự báo nếu như xung đột tiếp tục leo thang thì hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Azerbaijan sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.