Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 18/3, giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 39 cents tương ứng 0,6% xuống mức 68 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 20 cents tương ứng 0,3% xuống còn 63,68 UUSD/thùng. Trong phiên giao dịch, có lúc giá dầu thô giảm tới hơn 1 USD/thùng.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm trong những phiên giao dịch gần đây khi một số nước Châu Âu quyết định ngưng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Oxford/AstraZeneca do những lo ngại về tính an toàn.
Trong khi đó, Đức đang đối mặt với một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới khi số ca nhiễm mới gia tăng cao, đe doạ đến kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế của nước này. Italy đã phải áp dụng lệnh phong toả toàn quốc trong dịp Lễ Phục sinh tới đây. Chính phủ Pháp dự kiến sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế di chuyển nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây nhiễm.
Đức, Italy và Pháp là ba nền kinh tế lớn nhất khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Trước đó, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Ireland, Iceland đã ngừng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Oxford/AstraZeneca. Điều này sẽ làm chậm kế hoạch tiêm chủng, kiểm soát dịch bệnh cũng như kế hoạch tái mở cửa các nền kinh tế tại Châu Âu. Qua đó, tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của khu vực này.
Dữ liệu mới nhất từ chính phủ Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã tăng thêm 2,4 triệu thùng, đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ tăng cao sau khi các nhà máy lọc hoá dầu tại miền Nam nước này phải ngưng hoạt động do thời tiết giá lạnh sâu bất thường giữa tháng 2 vừa qua.
Giá dầu thô cũng chịu áp lực giảm sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết giá dầu thô có thể không phản ánh nhu cầu sử dụng dầu thô thực tế. IEA cũng dự báo, thay vì phục hồi sớm như một số báo cáo lạc quan, nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ chỉ trở lại ngang bằng lúc trước khai đại dịch xảy ra vào năm 2023.
Kể từ đầu năm, giá dầu thô đã bật tăng cao trở lại khi thị trường lạc quan về việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 rộng rãi sẽ giúp sớm tái mở cửa nền kinh tế trở lại và việc liên minh OPEC+ tiếp tục duy trì cắt giảm sản lượng khai thác. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, kiểm soát hơn 50% nguồn cung dầu thô toàn cầu.