Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (22/5), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm tới 93 cents tương ứng 2,6% xuống mức 35,13 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 67 cents tương ứng 2% xuống 33,25 USD/thùng.
Giá dầu thô chịu áp trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng xung quanh vấn đề Hồng Kông (Trung Quốc). Trong ngày 21/5, giới chức Trung Quốc cho biết nước này dự kiến sẽ áp dụng Luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông trong bối cảnh đặc khu này của Trung Quốc trải qua nhiều đợt biểu tình nghiêm trọng trong năm ngoái.
Phản ứng về vấn đề này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết chính quyền Hoa Kỳ sẽ có các biện pháp “rất dữ dội” nếu như Trung Quốc hiện thực hoá việc áp đặt đạo luật nói trên.
Đây là vấn đề mới nhất nổi lên trong bối cảnh quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trở nên xấu đi rất nhiều trong những tuần gần đây, khởi điểm từ những tranh cãi qua lại giữa hai quốc gia về nguồn gốc và minh bạch thông tin về đại dịch Covid-19. Tiếp nối là những áp lực gia tăng xung quanh việc Trung Quốc cần thực hiện các cam kết trong thoả thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký với Hoa Kỳ hồi giữa tháng 1/2020.
Cuối tuần trước, Hoa Kỳ đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp sản xuất chip điện tử trên toàn cầu có sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ phải xin phép nước này trước khi bán chip cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei. Điều này được dự báo sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến doanh thu cũng như tiến độ phát triển công nghệ 5G của Huawei. Điều này đã đẩy căng thẳng quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cao. Huawei hiện là hãng sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới và là một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Tính chung cả tuần giao dịch (18/5 – 22/5), giá dầu thô Brent và WTI đã lần lượt tăng 8% và 13% trong bối cảnh thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ phục hồi trở lại khi ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và tái mở cửa nền kinh tế.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định giá dầu thô tương lai đang bị đẩy quá nhanh trong bối cảnh vẫn tồn tại rủi ro bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ hai khi số ca nhiễm mới tại một số quốc gia đã nới lỏng phong toả như Trung Quốc, Pháp đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã sụt giảm hơn 40%. Đà phục hồi của giá dầu thô trong thời gian gần đây được hỗ trợ mạnh khi liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh bao gồm Nga tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục – 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu kể từ 1/5/2020.
Mặc dù không tham gia thoả thuận cắt giảm nhưng việc giá dầu thô sụp đổ cũng buộc các hãng khai thác năng lượng tại Hoa Kỳ, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất thế giới, thu hẹp đáng kể hoạt động sản xuất. Dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes Co. cho thấy số lượng giàn khoan khai thác dầu hoạt động tại Hoa Kỳ trong tuần này đã tiếp tục giảm thêm 21 giàn xuống còn 318 giàn khoan – mức thấp kỷ lục kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1940.