Chốt phiên giao dịch ngày 17/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 0,7% xuống mức 69,03 USD/thùng; giá dầu thô WTI giảm 1% xuống còn 66,59 USD/thùng; xác lập phiên giảm giá thứ 4 liên tiếp.
Giá dầu thô trong đầu phiên giao dịch ngày 17/8 đã được nâng đỡ bởi dòng tiền bắt đáy đổ vào thị trường và thông tin liên minh OPEC+ sẽ không nâng thêm sản lượng khai thác trong thời gian tới. Nhưng việc đồng USD tăng giá mạnh và Nhật Bản kéo dài tình trạng khẩn cấp khi số ca nhiễm mới Covid-19 liên tục tăng đã tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.
Trong phiên giao dịch ngày 17/8, chỉ số US Dollar Index – đo lường sự biến động giữa đồng USD với các đồng tiền chủ chốt khác đã tăng ngày thứ 2 liên tiếp và có lúc chạm mức 93,14 điểm – mức cao nhất trong gần 1 tuần trở lại đây. Điều này đã khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên “đắt đỏ” hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác.
Tâm lý nhà đầu tư còn bị tác động mạnh khi Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp tại khu vực thủ đô Tokyo và nhiều tỉnh lớn khác cho đến ngày 12/9 khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại nước này liên tục phá kỷ lục.
Chính phủ Nhật Bản cũng đưa thêm nhiều tỉnh, thành phố khác vào danh sách các khu vực áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm. Tình trạng khẩn cấp lần này đã bao phủ 13 tình, thành, còn khu vực phòng dịch trọng điểm sẽ mở rộng ra 16 tỉnh, chiếm hơn 50% trong tổng số 47 tỉnh, thành của Nhật Bản.
Thị trường lo ngại việc hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc đang siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch sẽ làm suy giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia tại Châu Á cũng đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm biến chủng Covid-19 Delta nghiêm trọng.
Lo ngại về rủi ro nhu cầu sử dụng dầu thô khu vực Châu Á suy giảm mạnh đã đẩy giá dầu thô giảm ngay cả khi Viện Dầu khí Hoa Kỳ dự báo lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ đã giảm xuống trong tuần trước. Dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố trong hôm nay (theo giờ địa phương).
Xét về góc độ kỹ thuật, nhiều chuyên gia phân tích tiếp tục nhận định giá dầu thô đang gần chạm ngưỡng hỗ trợ và có thể bật tăng lại mặc dù đà bật tăng đã yếu hơn so với những dự báo trước đây.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam thuộc hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ) cho biết “Chúng tôi tiếp tục cho rằng ngưỡng giá 65 USD/thùng là mức hỗ trợ đối với dầu thô WTI. Tuy nhiên, lực phục hồi sẽ không được mạnh như các dự báo trước đây. Việc giá dầu thô giảm xuống dưới ngưỡng này sẽ là cú sốc mạnh về mặt kỹ thuật và phản ánh những lo ngại nghiêm trọng của thị trường về triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong những tháng tới khi biến chủng Covid-19 Delta đang ngày càng lây lan mạnh trên toàn cầu”.
Trong khi đó, ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch hãng tư vấn tài chính và năng lượng Ritterbusch & Associates (Hoa Kỳ), nhận định thị trường sẽ tiếp tục trong xu hướng đi xuống cho đến khi nền kinh tế Trung Quốc tái mở cửa trở lại sau đợt dịch hiện tại.
Dữ liệu cho thấy, hoạt động lọc hoá dầu tại Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ hồi tháng 5/2020 khi các nhà máy lọc hoá dầu tư nhân tại nước này cắt giảm sản lượng do lượng tồn kho cao, biên lợi nhuận bị thu hẹp và hạn ngạch nhập khẩu dầu thô bị siết chặt.