Sự tắc nghẽn hoạt động vận tải biển đang khiến các chuỗi cung ứng bị đình trệ và đẩy chi phí vận chuyển tăng cao, gây ra mối đe doạ đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Những tác động rõ rệt nhất bao gồm cuộc khủng hoảng thiếu chất bán dẫn và giá hàng hoá nguyên liệu thô tăng cao.
Hiện công suất hoạt động của cảng Ningbo Zhoushan đã giảm xuống chỉ còn 20% so với bình thường. Hồi tháng 5 vừa qua, cảng Yantian (Thâm Quyến, Trung Quốc), cảng hàng hoá lớn thứ ba thế giới, đã phải đóng cửa trong gần 1 tháng khi dịch Covid-19 bùng phát tại cảng và khiến lượng lớn hàng hoá trên các tuyến Châu Á – Bắc Mỹ bị dồn ứ.
Hầu hết các cảng biển lớn tại Bắc Mỹ rơi vào tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng trong đầu tháng 8 sau khi cảng Yantian mở cửa hoạt động trở lại. Trước đó, sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez trong tuần cuối của tháng 3/2021 đã khiến các tuyến vận tải Châu Á – Châu Âu bị đình trệ nghiêm trọng.
Hiện vẫn chưa rõ cảng Ningbo Zhoushan sẽ phải đóng cửa trong bao lâu và tình trạng này đang khiến việc cung ứng hàng hoá trên toàn cầu căng thẳng nghiêm trọng. Hàng loạt hãng vận tải biển đã phải điều hướng các tàu hàng di chuyển theo các cung đường mới, bỏ qua cảng này, kéo theo đó là rối loạn trong các hoạt động logistics.
Dữ liệu của hãng môi giới hàng hải Freightos (Hồng Kông, Trung Quốc), giá cước vận chuyển một container loại 40 feet từ Trung Quốc đến bờ Tây Hoa Kỳ đã đạt mức 15.800 USD, cao gấp 10 lần so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Theo hãng dữ liệu hàng hải VesselsValue (Anh), hiện có khoảng 350 tàu container với tổng năng lực chuyên chở 2,4 triệu TEU (1 TEU tương đương 1 container loại 20 feet) đang bị tắc nghẽn tại các cảng trên toàn cầu.
Ông Lars Mikael Jensen, trưởng ban mạng lưới vận tải toàn cầu của Maersk, cho biết hoạt động vận chuyển trên toàn cầu không có dấu hiệu cải thiện kể từ khi biến chủng Covid-19 Delta bùng phát. Maersk hiện là hãng vận chuyển container lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, hãng vận tải biển Hapag-Lloyd nhận định tình trạng gián đoạn vận tải biển có thể kéo dài đến quý 1/2022 hoặc thậm chí lâu hơn khi nhu cầu vận chuyển hàng hoá vẫn ở mức cao.
Ông John Glen - nhà kinh tế trưởng của Chartered Institute of Procurement and Supply (CIPS) cảnh báo tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hàng hoá và chi phí vận chuyển tăng vọt sẽ khiến lạm phát tăng cao khi chưa có giải pháp ngắn hạn và vấn đề này khó kết thúc sớm. Thị trường vận tải biển đang bước vào giai đoạn cao điểm khi các nhà bán lẻ tại Bắc Mỹ và Châu Âu tăng cường tích trữ hàng hoá cho đợt mua sắm cuối năm.
Ngoài các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất, như ô tô và dệt may, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Châu Âu cho biết họ đang gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu và áp lực giá tăng.
Ông George Buckley - kinh tế gia trưởng khu vực Anh và Eurozone của tập đoàn tài chính Nomura, cho biết: "Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp tại châu Âu trong một thời gian. Do nguồn cung gặp khó khăn, các nhà sản xuất và bán lẻ lớn đã tích trữ nhiều hàng hóa hơn, tìm thêm nguồn cung ứng hay thậm chí chuyển hoạt động sản xuất về nước. Song, nhiều công ty nhỏ phải “trả giá đắt" cho xu hướng này và họ phải đối mặt với vấn đề sống còn.”