Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 10/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giao dịch quanh ngưỡng 122,78 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 7/2022 giao dịch quanh mốc 121,23 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 8/6 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giảm nhẹ 0,4% xuống mức 123,07 USD/thùng; giá dầu thô WTI giao tháng 7/2022 cũng giảm 0,5% xuống còn 121,51 USD/thùng. Giá dầu thô hiện vẫn đang tiệm cận mức cao nhất tong vòng 13 tuần trở lại đây.
Giới phân tích nhận định giá dầu thô vẫn đang duy trì xu hướng đi lên nhờ nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, đang tăng lên bất chấp việc giá xăng dầu ở mức cao kỷ lục. Đồng thời, tình trạng căng thẳng nguồn cung được dự báo sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
Dữ liệu mới nhất của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô thương mại tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm 2 triệu thùng, ngược lại với dự đoán giảm 1,9 triệu thùng của giới phân tích đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, lượng dầu thô dự trữ chiến lược quốc gia của Hoa Kỳ lại giảm kỷ lục 7,3 triệu thùng, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/197. Đồng thời, sản lượng của các nhà máy lọc hoá dầu tại nước này cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ vẫn đang ở mức cao cho dù giá bán lẻ xăng dầu hiện đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường cũng kỳ vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ tăng lên trong thời gian tới khi nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19 tại một số thành phố lớn, gồm Bắc Kinh và Thượng Hải.
Hãng phân tích EBW Analytics (Hoa Kỳ) nhận định với việc nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc có thể sẽ tăng thêm tới 1 triệu thùng dầu/ngày và Hoa Kỳ bước vào mùa cao điểm tiêu thụ nhiên liệu thì thị trường dầu mỏ sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng nguồn cung nghiêm trọng trong những tháng tới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng vừa cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) có thể đối mặt tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa Đông tới đây. EU vừa qua đã thông qua việc cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế dầu thô từ Nga qua đường biển vào cuối năm nay.
Về phía nguồn cung, hoạt động khai thác dầu thô tại một số quốc gia đang gặp khó khăn. Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei vừa cảnh báo các nỗ lực gia tăng sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ sẽ chưa thể đem lại kết quả ngay lập tức.
Ông Suhail Al Mazrouei cũng nhấn mạnh sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ hiện còn thấp hơn mức mục tiêu khai thác tới 2,6 triệu thùng/ngày. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh như Nga.
Thị trường dầu hiện nay đang không chỉ gặp vấn đề với nguồn cung dầu thô. Năng lực lọc dầu cũng đang là vấn đề lớn. Sản lượng của các nhà máy lọc dầu trên thế giới hiện nay thấp hơn tới gần 3 triệu thùng/ngày so với năm 2019 cũng do việc thiếu đầu tư của các quốc gia thời gian qua.