Vào lúc 10h00 sáng nay ngày 14/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giao dịch quanh mức 122,43 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 7/2022 giao dịch quanh mức 120,90 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ đã có phiên giao dịch biến động mạnh trong ngày hôm qua (13/6) với việc giá dầu thô có lúc giảm tới 3 USD/thùng so với giá mở cửa. Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent đã tăng 26 cents lên 122,27 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng tăng 26 cents lên 120,93 USD/thùng.
Giá dầu thô tiếp tục được nâng đỡ bởi tình trạng căng thẳng nguồn cung trên toàn cầu. Nhiều nhà phân tích cảnh báo liên minh OPEC+ sẽ khó có thể đạt mục tiêu nâng sản lượng khai thác trong tháng 7 và tháng 8 tới đây trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên đã cạn kiệt phần công suất khai thác dự phòng.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Bên cạnh đó, nguồn cung dầu thô còn đối mặt với tình trạng suy giảm sản lượng tại Nga dưới tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Tình trạng bạo động tại Libya cũng khiến rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu từ quốc gia này tăng lên.
Ông Robert Yawger, Giám đốc điều hành mảng thị trường năng lượng kỳ hạn tại tập đoàn ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cho biết “Chúng ta đang vật lộn với việc thiếu hụt nguồn cung từ Nga, và tình trạng bạo động tại Libya càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”.
Về phía nhu cầu sử dụng, ẩn số lớn nhất đối với thị trường dầu mỏ hiện tại là nhu cầu sử dụng của Trung Quốc. Giới chức nước này vừa cảnh báo về một đợt bùng phát lây nhiễm Covid-19 mới tại nước này. Số ca nhiễm mới Covid-19 tại Thượng Hải và Bắc Kinh đã tăng trở lại làm dấy lên lo ngại hai thành phố lớn nhất Trung Quốc sẽ bị phong toả một lần nữa sau khi chỉ vừa nới lỏng các biện pháp phòng dịch sau hơn 2 tháng áp dụng. Điều này sẽ khiến triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc trong ngắn hạn suy giảm.
Nhiều tổ chức kinh tế lớn cũng đã hạ đáng kể dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay và cảnh báo về triển vọng phục hồi bền vững của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi nước này kiên trì theo đuổi chiến lược “Zero Covid” (Không ca nhiễm Covid-19).
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích và một số cơ quan Chính phủ Trung Quốc dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc sẽ bật tăng trở lại trong nửa cuối năm nay ngay sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Giá dầu mỏ còn chịu tác động chung từ phản ứng của các thị trường tài chính đối với việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) siết chặt chính sách tiền tệ. Việc lạm phát tại Hoa Kỳ trong tháng 5 vừa qua tiếp tục tăng 8,6% - chạm mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm trở lại đây đang khiến FED chịu áp lực lớn hơn trong việc tăng tốc nâng lãi suất.
Việc FED tăng mạnh lãi suất sẽ khiến đồng USD tăng giá, giảm sức hấp dẫn đối với các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu thô. Ngoài ra, việc FED buộc phải tăng lãi suất quá nhanh và mạnh sẽ đẩy Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, rơi vào suy thoái. Đây là rủi ro được cảnh báo liên tục gần đây, một số nhà kinh tế cho rằng Hoa Kỳ sẽ suy thoái trong năm sau, kéo theo đó là sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng nhiên liệu.