Cụ thể, vào lúc 9h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6/2022 tăng 0,65% lên 102,71 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2022 cũng tăng 0,38% lên 98,92 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 25/4, giá dầu thô thế giới đã chịu áp lực giảm mạnh. Trong đó, giá dầu thô Brent giảm 4,1% xuống còn 102,32 USD/thùng; giá dầu thô WTI giảm 3,5% xuống 98,54 USD/thùng. Đây đều là những mức giá đóng cửa thấp nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây.
Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô thế giới đã giảm gần 5% và nếu so với mức giá đỉnh cao nhất kể từ năm 2008, thiết lập đầu tháng 3/2022 thì giá dầu thô hiện tại đã giảm khoảng 25%. Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 25/4 khi thị trường đón nhận cùng lúc nhiều thông tin tiêu cực.
Thị trường hiện lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc sẽ suy giảm đáng kể khi nước này vẫn áp dụng các biện pháp phong toả phòng chống COVID-19 tại hàng loạt thành phố lớn, bao gồm cả Thượng Hải – trung tâm kinh tế nước này. Chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng yêu cầu tiến hành xét nghiệm diện rộng tại một số khu vực đông dân cư khiến nhiều người lo ngại Bắc Kinh có thể sẽ sớm bị phong toả như Thượng Hải.
Giới phân tích cảnh báo việc Trung Quốc kéo dài các biện pháp phong toả sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay và khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn.
Giá dầu thô cũng như giá nhiều loại hàng hoá, nguyên liệu thô khác chịu áp lực giảm khi đồng USD tăng giá khiến giá các mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác. Đồng USD đang tăng mạnh trở lại sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) phát đi các tín hiệu cho thấy sẵn sàng nâng lãi suất điều hành thêm 0,5%, cao gấp đôi so với mức tăng thông thường, trong phiên họp chính sách đầu tháng 5 tới đây nhằm kiềm chế lạm phát.
Thị trường hiện quan sát chặt chẽ diễn biến cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và các động thái của Liên minh châu Âu (EU) về việc ngưng nhập khẩu năng lượng từ Nga. Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho biết EU đang chuẩn bị các bước đi phù hợp nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn dầu thô từ Nga.
Tuy nhiên, ông Nikoline Bromander – chuyên gia phân tích cấp cao tại hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định mặc dù EC đang chuẩn bị tung ra vòng trừng phạt thứ 6 đối với Nga, việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga khó có thể trở thành hiện thực. Giới quan sát đánh giá việc EU ngưng nhập khẩu ngay lập tức năng lượng từ Nga sẽ khiến nền kinh tế EU thiệt hại nặng.
Dữ liệu của Cơ quan Thống kê EU (Eurostat) cho thấy Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu, chiếm hơn 25% tổng lượng dầu được EU nhập khẩu trong năm 2020. Đối với khí đốt, Nga hiện đáp ứng gần 45% nhu cầu sử dụng khí đốt của châu Âu; trong đó, Đức, Italy và nhiều quốc gia Trung Âu phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga.