Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 31/3), giá dầu thô Brent giao tháng 5/2023 tăng 0,6% lên mức 79,77 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2023 tăng mạnh 1,8%, đạt 75,67 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã tăng 7% và dầu thô WTI tăng hơn 9%.
Phiên giao dịch ngày 31/3 cũng là phiên đáo hạn của hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 5/2023. Giá dầu thô Brent giao tháng 6/2023 đã tăng 1,6% lên 79,89 USD/thùng.
Giá dầu thô thế giới đã xác lập tuần tăng giá thứ hai liên tiếp trong bối cảnh đồng USD suy yếu khi lạm phát tại Hoa Kỳ có dấu hiệu hạ nhiệt, thị trường lo ngại việc thiếu hụt nguồn cung dầu tại một số nơi trên thế giới, kết hợp với việc nhu cầu sử dụng dầu tại Trung Quốc có dấu hiệu tăng lên khi nước này tái mở cửa nền kinh tế.
Cụ thể, dữ liệu mới công bố ngày 31/3 cho thấy Chỉ số Giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Hoa Kỳ trong tháng 2/2023 chỉ tăng 0,3% so với tháng trước. Mức tăng này thấp hơn mức tăng 0,6% ghi nhận trong tháng 1/2023 và thấp hơn mức dự báo tăng 0,4% của giới chuyên gia. Chỉ số PCE là một trong những chỉ báo lạm phát quan trọng mà Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sử dụng để đưa ra các chính sách tiền tệ.
Lạm phát suy yếu đồng nghĩa với việc FED có thể sẽ bớt cứng rắn hơn trong chính sách tiền tệ. Điều này giảm bớt sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác. Đồng thời, chính sách tiền tệ “dễ thở” hơn cũng kích thích giới đầu tư quay lại các kênh đầu tư rủi ro cao như hàng hoá cơ bản và cổ phiếu.
Giá dầu thô cũng đang được hỗ trợ bởi tình trạng một số mỏ khai thác dầu thô tại phía Bắc Iraq phải tạm ngưng hoạt động xuất khẩu dầu thô qua cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có thể khiến nguồn cung dầu thô toàn cầu giảm 450.000 thùng/ngày tương đương gần 0,5% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Trong khi đó, liên minh OPEC+ cho thấy không có ý định thay đổi chính sách cắt giảm sản lượng khai thác 2 triệu thùng/ngày (tương đương 2% nhu cầu dầu toàn cầu) vốn được áp dụng kể từ tháng 11/2022 cho đến cuối năm nay. Liên minh OPEC+, bao gồm 13 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và 10 quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng khai thác của OPEC đạt 28,90 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2023, giảm 700.000 thùng/ngày so với hồi tháng 9/2022.
Dù tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 31/3, giá dầu thô Brent và WTI vẫn giảm lần lượt 5% và 2% trong tháng 3/2023, xác lập tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Giá dầu thô Brent đã có quý giảm giá thứ ba liên tiếp, chuỗi giảm giá theo quý dài nhất kể từ năm 2015.
Vào ngày 20/3, giá dầu thô Brent và WTI cùng rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ngân hàng tại một số quốc gia. Đến nay, giá dầu thô đã phục hồi đáng kể nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức hồi đầu tháng 3/2023.
Giới phân tích nhận định với việc giá dầu đang phục hồi từ mức đáy gần đây, liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ nguyên chính sách khai thác như hiện nay trong cuộc họp định kỳ diễn ra vào ngày 3/4 tới đây. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo với việc nhu cầu sử dụng dầu thô năm 2023 dự báo tăng cao hơn đáng kể so với năm 2022 và nguồn cung dầu không được cải thiện thì thị trường sẽ dần chuyển vào trạng thái thiếu hụt nguồn cung vào nửa cuối năm nay.