Giá điện chính thức tăng thêm 144 đồng/kwh

Chiều 20/3/2019, Bộ Công Thương chính thức điều chỉnh giá điện, theo đó, mỗi kWh điện sẽ tăng gần 144 đồng, lên mức bình quân hơn 1.864 đồng/kwh.

Trao đổi với báo chí trong cuộc họp “Điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, quyết định có hiệu lực từ hôm nay, 20/3/2019. Theo đó, giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh.

Với mức tăng này, giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tương ứng chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.403 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.459 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 1.590 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh. Giá bậc 4 là 1.971 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.231 đồng cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.323 đồng cho 401 kWh trở lên.

Mức giá bán lẻ điện này nằm trong khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quyết định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 và theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 mức tăng này do Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh.

giá điện chính thức tăng
Bắt đầu từ chiều nay 20/3/2019, giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết

Đánh giá về mức tăng giá điện lần này, trong cuộc họp giao ban báo chí ngày 5/3/2019, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, việc tăng giá điện được tính toán trên cơ sở đảm bảo không ảnh hưởng tới CPI, GDP. Cụ thể, với giá điện tăng 8,36%, theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3-3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.

Các phương án giá điện đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại cuộc họp Thường trực Chính phủ.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức hôm đầu tháng 3/2019, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đã cho biết phương án tăng giá điện có thể được thực hiện ngay trong tháng 3 này.

Theo Quyết định 24 của Thủ tướng, nếu tăng giá điện trong khung 5 - 10% thì Bộ Công Thương là cơ quan có thẩm quyền quyết định, nếu trên 10% thì Thủ tướng quyết định.

tăng giá điện
Việc tăng giá điện lần này được tính toán trên cơ sở đảm bảo không ảnh hưởng tới CPI, GDP

Tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra hồi cuối năm 2018, Bộ Công Thương cho biết, doanh thu bán điện năm 2017 của EVN là 289.954 tỉ đồng trong khi chi phí sản xuất kinh doanh điện trong năm đó là 291.278 tỉ đồng.

Sau khi cộng tất cả thu chi của EVN năm 2017, thống kê cho thấy EVN vẫn lỗ 2.219 tỉ đồng. Kế đến, tổng chi phí bị tăng lên năm 2018 và 2019 của EVN ước khoảng 20.735 tỉ đồng.

Như vậy, kể từ tháng 12/2017, tức sau hơn 2 năm giữ ổn định, giá bán lẻ điện bình quân sẽ chính thức tăng từ hôm nay, với mức tăng 8,36%, giá bán lẻ điện bình quân từ 1.720,65 đồng/kWh đã tăng lên gần 1.850 đồng/kWh.

 

Hạ Vũ