Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn UPCoM) vừa thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức 2023 còn lại vào ngày 17/4 tới đây.
Cụ thể, Đường Quảng Ngãi sẽ chi trả nốt 20% cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu QNS sẽ được nhận 2.000 đồng cổ tức. Ngày thanh toán dự kiến là 26/4.
Trước đó, cổ đông Đường Quảng Ngãi đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%. Hiện tại, công ty đã tạm ứng 20% cổ tức qua 2 đợt.
Đây là lần đầu tiên Đường Quảng Ngãi chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 40% kể từ 10 năm trở lại đây, trong bối cảnh lợi nhuận năm 2023 của doanh nghiệp này đạt mức cao kỷ lục, lên đến gần 2.200 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2022.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, Đường Quảng Ngãi ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 350 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và 71% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính riêng tháng 1/2024, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt tới 230 tỷ đồng, tăng 190% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lợi nhuận từ mảng đường chiếm hơn 60%, tăng 260% so với cùng kỳ năm ngoái với sản lượng tiêu thụ tăng 150%, đạt 26.000 tấn.
Bên cạnh mảng đường, mảng sữa đậu nành cũng chiếm 11,7% lợi nhuận trước thuế tháng 1/2024 của Đường Quảng Ngãi, đạt 27 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023 với sản lượng tiêu thụ tăng 20%, đạt 14 triệu lít.
Hiện Đường Quảng Ngãi ước tính tổng sản lượng đường trong năm 2024 sẽ dao động từ 230 - 240.000 tấn đường tinh luyện (RS), tăng từ 15 - 20% so với năm 2023.
Hoạt động kinh doanh của Đường Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong tương lai gần khi giá đường trong nước và thế giới đều đang neo cao.
Cụ thể, trong tháng 3/2024, giá đường thế giới đạt trung bình 0,22 USD/lb, tương đương cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 3% so với tháng 2/2024. Nhiều tổ chức tài chính dự đoán, giá đường có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới khi niên vụ mía đường 2024/2025 đang đến gần.
Ngoài ra, Tổ chức Đường Thế giới cũng dự báo, nguồn cung đường toàn cầu trong niên vụ 2023/2024 sẽ giảm khoảng 300.000 tấn. ISO nhận định nguồn cung đường từ Ấn Độ và Thái Lan trong niên vụ 2023/2024 sẽ giảm lần lượt 10% và 32% so với niên vụ trước. Trong đó, Ấn Độ đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu đường để đảm bảo nguồn cung, còn Thái Lan đang có động thái siết chặt hoạt động xuất khẩu đường.
Tại thị trường trong nước, giá đường tháng 3/2024 đạt 21.000 đồng/kg, đi ngang so với hồi đầu năm do các doanh nghiệp đang bước vào vụ thu hoạch mía 2023/2024. Tuy nhiên, mức giá này đang cao hơn tới 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo chia sẻ của đại diện một số doanh nghiệp mía đường lớn, giá đường trong nước có thể sẽ duy trì ở quanh mức hiện nay cho đến hết niên vụ 2023/2024.
Trong khi đó, SSI Research đánh giá việc giá đường thế giới giảm sẽ không tác động trực tiếp đến giá đường trong nước trong ngắn hạn do đường nhập khẩu đang được giám sát chặt chẽ và tuân thủ chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp của Bộ Công Thương.
SSI Research dự báo đường nhập khẩu sẽ chỉ còn chiếm hơn 50% tổng nguồn cung đường của Việt Nam trong niên vụ 2023/2024, giảm mạnh so với mức chiếm 75% trong niên vụ 2022/2023; trong khi đó, nguồn cung đường nội địa dự kiến sẽ tăng thêm 10%.