Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 8 tháng năm 2018 đạt gần 3.330 USD/tấn, giảm tới gần 62% so với cùng kỳ năm 2017.
Thông tin từ Bộ Công Thương, cuối tuần trước, đã có một phiên giảm giá đồng loạt ở các tỉnh trồng tiêu. Đến đầu tuần này, giá tiêu ở Đồng Nai tiếp tục giảm 1.500 đ/kg, xuống còn 38.000 đ/kg. Giá tiêu ở các tỉnh khác vẫn ở mức thấp: Bà Rịa – Vũng Tàu 42.500 đ/kg; Đăk Lăk, Đăk Nông và Bình Phước, đều có giá ở mức 41.500 đ/kg; Gia Lai 39.500 đ/kg. Như vậy, giá tiêu ở Gia Lai và Đồng Nai đã xuống dưới mốc 40.000 đ/kg.
Việc giá tiêu giảm xuống dưới 40.000 đ/kg ở một số địa phương trong mấy ngày qua là nằm ngoài dự liệu của nhiều chuyên gia, doanh nhân ngành hồ tiêu, vốn vẫn hy vọng giá tiêu duy trì được ở mức 41.000-42.000 đ/kg.
Theo nhận định của một số chuyên gia ngành hồ tiêu, giá tiêu có thể sẽ còn giảm tiếp. Trước hết là do sản lượng hạt tiêu Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn còn vượt xa so với nhu cầu.
Theo Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), dự kiến sản lượng hạt tiêu toàn cầu trong năm nay vào khoảng 602.000 tấn, trong khi nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm. Còn ở Việt Nam, hiện ước tính có khoảng 100 ngàn ha tiêu đang cho thu hoạch, với năng suất bình quân 2,47 tấn/ha, tương ứng với sản lượng khoảng 247.000 tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, nhu cầu từ các nước nhập khẩu hạt tiêu còn yếu trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục được bổ sung khi mà Indonesia, Malaysia và Brazil đang trong vụ thu hoạch. Theo đó, giá hạt tiêu Việt Nam cũng như giá hạt tiêu thế giới được dự báo sẽ khó phục hồi trong các tháng cuối năm 2018
Theo dữ liệu thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), giá tiêu các loại trong tháng 8 từ không đổi đến giảm nhẹ ở các nước sản xuất và xuất khẩu. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế toàn cầu không đạt như kỳ vọng và căng thẳng thương mại khiến giá hồ tiêu chững lại. Hiện thị trường Mỹ và các nước EU kiểm soát chặt về dư lượng hóa chất trên hồ tiêu nên việc xuất khẩu nông sản nói chung và tiêu Việt Nam gặp nhiều thử thách.
Bộ Công Thương cho biết, năm 2019 được đánh giá là năm rất khó khăn với ngành hồ tiêu Việt Nam khi giá bán giảm, tăng trưởng chậm so với cùng kỳ. Để nâng cao sức cạnh tranh và tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại, ngành hồ tiêu phải đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Việt Nam hiện có khoảng 100.000 ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn. Tuy nhiên trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng, ít nhất 10% so với năm 2017.
Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 8 năm 2019 ước đạt 20 nghìn tấn, với giá trị đạt 50 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 220 nghìn tấn, tương đương 561 triệu USD, tăng 27,4% về khối lượng nhưng giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 là Mỹ, Ấn Độ, Đức, Pakistan và Hà Lan với 36,8% thị phần. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 2.556 USD/tấn, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2018.