Giá kim loại tăng cao nhờ Trung Quốc tăng cường thu mua

Theo các số liệu được Chính phủ Trung Quốc công bố vừa qua cho thấy, trong tháng 7, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc nhập khẩu các loại hàng hóa, đặc biệt là đồng và quặng sặt. Điều này đã tác động mạnh đế
 Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa cho biết lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 7 đã chạm mức kỷ lục hàng tháng, đạt 73,1 triệu tấn; tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 17% so với mức nhập khẩu trong tháng 6 trước đó.

Trong đó, đồng được đẩy mạnh thu mua ở mức 410.680 tấn đồng (bao gồm: đồng tinh luyện, hợp kim) được nhập khẩu trong tháng 7. Con số này đã đạt mức cao nhất trong vòng 14 tháng; cao hơn 8,1% so với tháng 6; đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp lượng đồng mà Trung Quốc nhập khẩu  tăng.

Tác động đến giá kim loại

Tốc độ nhập khẩu kim loại của Trung Quốc đã khiến giá kim loại trên thị trường thế giới bật tăng. Tính từ ngày 1/7 đến 16/8, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã đạt mức cao nhất trong vòng 10 tuần, tăng 6,6%. Giá quặng sắt giao ngay tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc), tính từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7 đã tăng vọt 20%, đạt 132,60 USD/tấn khô.

Từ đầu năm đến nay, hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường đều đặt cược vào việc giá các loại hàng hóa công nghiệp như đồng hay niken sẽ giảm xuống. Các nhà đầu tư cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp sẽ đẩy thị trường kim loại vào trạng thái dư cung và giá kim loại sẽ giảm mạnh; tình hình thắt chặt tính dụng tại Trung Quốc trong những tháng gần đây đã củng cố cho điều này. Nhưng giá kim loại tăng và mức nhập khẩu đạt kỷ lục của Trung Quốc đã gây bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư.

Các nhà phân tích cho rằng, số liệu nhập khẩu của Trung Quốc cao hơn các dự báo được đưa ra có thể khiến một số nhà đầu tư thay đổi quan điểm về giá các loại hàng hóa; và giá các kim loại có thể tăng trong thời gian tới.

Nhận định của các chuyên gia

Mặc dù giá các kim loại có thể tiếp tục tăng  trong thời gian tới do một số nhà đầu tư thay đổi quan điểm, nhưng các nhà phân tích đã đưa ra cảnh báo, giá kim loại tăng sẽ không bền vững. Do các số liệu kinh tế của Trung Quốc không đủ mạnh để loại bỏ các dự báo nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá kim loại tăng trong thời gian qua và có thể tăng trong thời gian tới là do việc các hãng sản xuất tại Trung Quốc tăng cường thu mua tích trữ trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới xuống thấp.

Ví dụ điển hình, giá kim loại đồng tuy đã có mức tăng cao trong tháng 7 và đầu tháng 8 nhưng tính chung cả năm (1/1 – 16/8), giá đồng vẫn giảm 8,7%. Nguyên nhân chủ yếu do lo ngại tăng trưởng chậm tại Trung Quốc – quốc gia sử dụng đồng lớn nhất thế giới, sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng đồng. Mặc dù có lượng nhập khẩu cao kỷ lục trong tháng 7 nhưng tính chung 7 tháng đầu năm, lượng đồng được Trung Quốc nhập khẩu vẫn chỉ đạt 2,413 triệu tấn, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.


Ông Judy Zhu, chuyên gia phân tích tại Standard Chartered nhận định: “Tính đến yếu tố thời vụ thì nhu cầu vật chất đối với đồng (Trung Quốc) trong tháng 7 và tháng 8 thấp hơn tháng 6. Do đó mức nhập khẩu tăng cao không thể phản ánh chính xác nhu cầu thực của thị trường do một số công ty nhập khẩu với mục đích bổ sung lượng dự trữ và vì mục đích tài chính, làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng trong bối cảnh thắt chặt tín dụng tại Trung Quốc”.

Theo ước tính của các thương nhân, lượng đồng tinh luyện được dự trữ tại các nhà kho ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã tăng từ mức 380.000 tấn vào giữa tháng 7 lên mức 400.000 tấn vào đầu tháng 8. Lượng đồng dự trữ hiện tại của trung Quốc vẫn thấp hơn 60% so với mức kỷ lục 1 triệu tấn trong quý I/2013.

Đối với quặng sắt, lượng quặng sắt dự tữ tại các cảng nhập khẩu chính của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm xuống chỉ còn khoảng 73 triệu tấn so với mức gần 100 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái.

Ông Ephrem Ravi, chuyên gia phân tích tại Barclays Research nhận định, sự kết hợp giữa độ trễ từ hiệu ứng doanh số bán nhà tại Trung Quốc tăng lên trong quý II/2012 cho đến quý I/2013 và sự phê duyệt của Chính phủ Trung Quốc đối với các dự án phát triển hạ tầng trong năm 2012 đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng thép tăng lên như hiện nay; qua đó gia tăng nhu cầu thực với quặng sắt.

Lượng dự trữ giảm, trong khi nhu cầu sử dụng quặng săt cho việc sản xuất thép tăng đã khiến giá quặng sắt tăng cao trong thời gian qua.

Dự báo tình hình

Sự nới lỏng về quy định sử dụng đồng làm tài sản thế chấp vay vốn tại Trung Quốc gần đây sẽ khiến một số nhà nhập khẩu tăng cường nhập khẩu đồng. Bên cạnh đó, việc phải chờ chuyển đồng từ các nhà kho của Sàn giao dịch kim loại London đặt tại Malaysia sẽ khiến giá đồng tăng lên. Giám đốc một nhà máy luyện đồng tại Trung Quốc cho biết, nhu cầu sử dụng đồng sẽ tăng lên trong tháng 9.

Các chuyên gia cho rằng lượng đồng nhập khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ vẫn được giữ ở mức cao trong các tháng tới do một lượng lớn đồng được Trung Quốc đặt mua từ khu vực Nam Mỹ và một số nước Châu Á sẽ được vận chuyển đến nơi từ tháng 8 cho đến tháng 10.

Tập đoàn Barclays cho biết, trong tháng 6, số ngày dự trữ trung bình của quặng sắt để chờ chuyển đi Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm: 19,5 ngày; nhưng giờ đây con số này đang bắt đầu tăng trở lại và đạt 23,5 ngày. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc không có sự ổn định trong dài hạn. Tập đoàn Barclays ước tính sẽ có khoảng 150 triệu tấn quặng sắt mới được cung cấp ra thị trường từ quý IV/2013 qua năm 2014.

Các chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg dự báo giá quặng sắt sẽ đạt mức trung bình 115 USD/tấn trong năm 2014; giảm 17% so với mức hiện tại. Theo dự báo của hãng Goldman Sachs, giá quặng sắt sẽ giảm xuống chỉ còn 80 USD/tấn vào năm 2015.

Một số dấu hiệu cũng đang cho thấy, nhu cầu sử dụng quặng sắt tại Trung Quốc có thể không hấp thụ hết nguồn cung quặng sắt đang đổ vào Trung Quốc. Giá quặng sắt đã giảm xuống chỉ còn 137,9 USD/tấn vào ngày 16/8; trước đó, vào ngày 14/8, giá quặng sắt đã xác lập mức cao nhất trong vòng 5 tháng, đạt 142,8 USD/tấn – theo số liệu của The Steel Index.

Một số hãng sản xuất thép lớn tại Trung Quốc như Shougang Corp và Hebei Iron & Steel Group đã nâng giá thép giao tháng 8, nhưng hãng sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, Baosteel Group Corp. vẫn giữ nguyên mức giá thép tháng 8. Điều này chỉ ra rằng không phải nhà sản xuất nào cũng tin giá sẽ tiếp tục tăng.

Ông Walter de Wet, trưởng ban nghiên cứu hàng hóa tại Standard Bank cho biết, ông không thay đổi quan điểm vể việc hầu hết các loại hàng hóa trên thị trường đang trong trạng thái dư thừa (hoặc sẽ trở nên dư thừa trong thời gian ngắn) và tình trạng dư cung sẽ được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định; do đó sau khi có đợt tăng giá nhẹ thì giá các kim loại sẽ giảm xuống.