Trong ngày 13/4, đài phát thanh Trung Quốc, dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Trung Quốc Miao Wei cho biết, đến cuối năm 2014, Chính phủ Trung Quốc sẽ hoàn thành kế hoạch cắt giảm công suất dư thừa 5 năm thay vì đến năm 2015 như trước đây. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng tìm cách cắt giảm sản lượng sản xuất thêm nữa.
Cuối tháng 7/2013, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu hơn 1.400 công ty thuộc 19 ngành công nghiệp phải cắt giảm sản lượng dư thừa cho đến hết năm 2013, bao gồm: sản xuất thép, nhôm và xi măng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tránh việc kích thích nền kinh tế trên diện rộng, thay vào đó ban hành các chính sách có mục tiêu cụ thể, bao gồm: giảm thuế và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ; đồng thời cắt giảm công suất dư thừa và kiềm chế các rủi ro tài chính để hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế. Trong ngày, 9/8, Cục thống kê Trung Quốc đã cho biết, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 7 tăng cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế; điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang hướng đến sự ổn định.
Trong năm 2011, Bộ công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc đã đề ra kế hoạch cắt giảm sản lượng dư thừa trong 5 năm tại 19 ngành công nghiệp chủ chốt, với mục tiêu cắt giảm 48 triệu tấn thép và 370 triệu tấn xi măng. Ông Miao Wei cho biết, Trung Quốc đang tìm cách đẩy nhanh tiến trình cắt giảm sản lượng, hoàn thành kế hoạch trước 1 năm so với yêu cầu.
Theo nhận định của ông David Hensley, giám đốc hợp tác kinh tế toàn cầu thuộc tập đoàn JP Morgan Chase & Co. (New York, Mỹ): “Một trong những vấn đề dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc là nước này đang phải đối mặt với hậu quả từ việc đầu tư dư thừa vào một số lĩnh vực, dẫn đến dư thừa quá nhiều sản lượng”. Ông cũng cho biết những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc hiện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dừng nền móng vững chắc hơn cho sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn đầu và vẫn cần được theo dõi chặt chẽ tiến trình này.
Trước đó, vào ngày 1/8, theo tờ National Business Daily (Trung Quốc), Chính phủ Trung Quốc hiện có kế hoạch cắt giảm 400 triệu tấn thép vượt ngoài kế hoạch sản xuất (tương đương 40% tổng sản lượng thép của Trung Quốc). Tờ Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) cho biết, công suất sản xuất nhôm của Trung Quốc trong vài năm qua đã tăng thêm 18 triệu tấn thì chỉ có 800.000 tấn là được sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc. Công suất xi măng của Trung Quốc hiện cũng vượt sự cho phép 800 triệu tấn. Tỷ suất hoạt động của các nhà máy sản xuất thép, nhôm và xi măng của Trung quốc hiện chỉ đạt lần lượt: 72%, 71,9% và 73,7% so với mức bình thường trên toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc hiện đang tìm cách nâng tỷ suất hoạt động của các ngành công nghiệp lên mức 80%.
Tăng trưởng “hợp lý”
Ông Miao Wei cho biết, tăng trưởng công nghiệp tại Trung Quốc vẫn được giữ trong khoảng “hợp lý” bất chấp tăng trưởng kinh tế nói chung đang phải chịu áp lực giảm xuống; và các doanh nghiệp nhỏ có thể gặp khó khăn hơn trong nửa cuối năm 2013. Ông Miao Wei đã phát biểu: “Tăng trưởng của nền kinh tế (Trung Quốc) sẽ được dựa trên sự tiêu thụ trong nước”.
Theo đài phát thanh Trung Quốc cho biết, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng sẽ sớm đưa ra một kế hoạch mới nhằm khuyến khích việc chi tiêu phát triển ngành công nghệ thông tin và dịch vụ, đây có thể được coi như “một bước đột phá mới” – theo nhận định của ông Miao Wei, nhằm thúc đẩy tăng trưởng sau khi doanh số bán nhà và xe hơi gia tăng trở lại. Lĩnh vực công nghệ thông tin tại Trung Quốc hàng năm tăng trưởng 20% và sẽ vượt mức 3,2 nghìn tỷ NDT (523 triệu USD) vào năm 2015.
Trung Quốc dự kiến đẩy nhanh việc cắt giảm sản lượng dư thừa trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm
TCCT
Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách đẩy nhanh và hoàn thành kế hoạch cắt giảm sản lượng công nghiệp dư thừa trước 1 năm so với dự kiến trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm.