Trong tuần trước, giá khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) kỳ hạn giao tháng 6/2021 đến khu vực Đông Bắc Á đã đạt trung bình 10,15 USD/mmBtu, tăng 0,5 USD/mmBtu so với một tuần trước đó. Đồng thời, mức giá LNG giao tháng 7/2021 cũng đã đạt trung bình 10,25 USD/mmBtu, gần gấp đôi so với mức 5,6 USD hồi tháng 2/2021.
Hãng tin Reuters dẫn lời các thương nhân kinh doanh LNG trên thị trường quốc tế cho biết việc giá LNG tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu do hoạt động xuất khẩu của hàng loạt quốc gia như Australia, Peru, Indonesia, Malaysia và Nigeria gặp khó khăn trong khi đó nhu cầu của Nhật Bản và Hàn Quốc lại tăng vọt để sản xuất điện cho mùa hè tới đây. Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là hai quốc gia nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới.
Tại khu vực Châu Âu, giá LNG hiện cũng đang tiệm cận mức cao nhất kể từ hồi tháng 1/2021 trong bối cảnh giá các nguồn nhiên liệu hoá thạch khác ở mức cao kỷ lục kết hợp với việc thời tiết lạnh hơn so với thông thường.
Bộ phận nghiên cứu của tập đoàn ngân hàng Bank of America (BofA) cho biết nhu cầu sử dụng khí LNG cho phát điện tại Châu Âu hiện ở mức cao trong bối cảnh lượng tồn trữ LNG đã giảm xuống dưới ngưỡng trung bình cùng thời điểm này ở các năm trước. Điều này có thể gây nguy cơ thiếu hụt nguồn dự trữ trước khi mùa Đông năm nay tới. Do đó, giá điện tại Châu Âu hiện đã tăng vượt mức 25 EUR/ megawatt-giờ (MWh), cao gấp nhiều lần so với mức 3,50 EUR/MWh trong tháng 5/2020, theo BofA.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết nhà máy North West Shelf (Australia) đã đề nghị ít nhất một khách hàng tại Nhật Bản hoãn nhận hàng. Trong khi đó, tập đoàn GASCO (Ai Cập) cũng phải lùi thời hạn chào bán lô khí từ mỏ Damietta (Idku) tới ngày 22 – 23/5 thay vì vào ngày 17/5 như dự kiến.
Các thương nhân trên thị trường cũng cho biết tập đoàn Petronas (Malaysia) đã bán 1 lô khí, giao từ ngày 1 – 7/7 tới đây, cho khách hàng khu vực Bắc Á với giá trên 10 USD/ mmBtu.
Trước đó, dưới các tác động của đại dịch Covid-19, giá LNG giao ngay ở khu vực Châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, còn 1,85 USD/mmBtu vào tháng 5/2020 khi thị trường rơi vào tình trạng dư cung cao.
Giá LNG đã bắt đầu phục hồi tăng mạnh kể từ cuối năm trước khi thời tiết mùa đông tại Hoa Kỳ và khu vực Đông Bắc Á thấp hơn thông thường và tình trạng gián đoạn nguồn cung xảy ra. Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy bên cạnh Nhật Bản và Hàn Quốc, nhiều quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và khu vực Đông Nam Á đã tăng cường nhập khẩu LNG trong tháng 4 vừa qua.
Giới phân tích nhận định bức tranh tổng thể cung cầu trên thị trường Châu Á cho thấy giá LNG có thể còn được neo ở mức cao trong thời gian ngắn tới đây, đặc biệt là khi các quốc gia trong khu vực có xu hướng tăng cường tích trữ lượng LNG trước khi mùa hè đến.