Gia nhập WTO doanh nghiệp cần sự liên kết

Việt Nam hướng đến 17,5-18,5 tỷ USD trong 5 năm tới Các số liệu thống kê cho thấy, tổng vốn FDI của nước ta đã thu hút được trong 5 năm qua đạt khoảng 13,6 tỷ USD. Dự kiến trong kế hoạch 5 năm tới s

Mới đây, “làn sóng đầu tư thứ hai” từ Nhật Bản sẽ tăng từ 6,5 tỷ USD hiện nay lên 15 tỷ USD vào năm 2010; và hơn thế, các nhà đầu tư  Mỹ đang hướng tới Việt Nam trong tương lai không xa. Bằng chứng là một loạt dự án đầu tư lớn, như Intel (Mỹ) tăng vọt vốn đầu tư từ 605 triệu USD lên 1 tỷ USD, hợp đồng hợp tác kinh doanh Nhà máy Điện Mông Dương 2 giữa Tập đoàn AES & Power (Mỹ) và Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam trị giá 1,4 tỷ USD, Tập đoàn Rockingham đang đầu tư 1 tỷ USD vào đảo Phú Quốc, Liên doanh sản xuất nhôm trị giá 1,3 tỷ USD (tỷ lệ góp vốn của Trung Quốc 60%, của Việt Nam 40%)... Bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống, các đối tác lâu dài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Á, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, tới đây, Việt Nam sẽ hướng đến thị trường mới như Ba Lan, Bungari, Cộng hòa Séc, và các nước khu vực Trung Đông. Và đặc biệt hơn nữa là các nhà đầu tư Chile, Peru, Mexico, Venezuela, Papua New Guinea… cũng quan tâm đến thị trường tiềm năng này.

Trong năm 2006, những dự án đầu tư nước ngoài đã được ký kết ước đạt trên 8,5 tỷ USD, chúng ta có quyền hy vọng năm 2007 có thể đạt đến con số trên 10 tỷ USD. Đây chính là nguồn động lực đưa nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh hơn so với mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8%/năm trong những năm tới như đã dự báo.

Doanh nghiệp cần sự liên kết

Theo thống kê toàn quốc có trên 300.000 doanh nghiệp nhưng thực chất các cơ quan chức năng chỉ quản lý được một nửa số này, có nghĩa là có tới 50% số doanh nhân có tư duy hoạt động nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết… hội nhập quốc tế không thể chấp nhận.

Hơn nữa, hệ thống doanh nghiệp tư nhân ở nước ta hiện nay còn quá mỏng và yếu, tư duy quản trị cơ bản là cảm tính, thuận tiện. Hội nhập với nền kinh tế thế giới, chúng ta sẽ làm ăn với những doanh nghiệp mang tầm quốc tế, do đó, cần phải có sự hỗ trợ giữa các ngành nghề. Đặc biệt là những mặt hàng có năng lực cạnh tranh cao như quần áo may sẵn, giày dép, hàng nông sản vì chế độ hạn ngạch đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, các mặt hàng này sẽ phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ hàng Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á khác, chưa kể những hàng rào kỹ thuật, bảo hộ sản xuất nội địa khác.

Muốn vậy, chính bản thân doanh nghiệp phải tự tạo thành sức mạnh kinh tế của Việt Nam chứ không phải ai khác. Đồng thời, doanh nghiệp trong cùng ngành nghề phải tự ý thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển ngành nghề vững mạnh. Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, có hẳn một thành phố Thượng Hải sầm uất với các trung tâm thời trang mang tầm cỡ quốc tế. Nơi đây còn là nơi buôn bán thiết bị dệt may, nguyên phụ liệu đến các dịch vụ liên quan nhằm phục vụ nhu cầu thiết kế và buôn bán thời trang. Thượng Hải được quy hoạch thành 4 khu vực gồm thiết bị máy may, máy dệt, nguyên phụ liệu và các dịch vụ liên quan. Với quy hoạch này đã giúp nhiều vùng lân cận Thượng Hải, các vùng dệt nổi tiếng của Trung Quốc phát triển sản xuất-kinh doanh nguyên phụ liệu dệt may, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Trong khi đó, nhìn lại ngành Dệt May Việt Nam, trong những năm gần đây cũng có một bước tiến đáng kể, song chưa mang tính chuyên nghiệp như mô hình ở sản xuất-kinh doanh ở Thượng Hải. Việc tìm kiếm địa điểm để hình thành ít nhất hai trung tâm nguyên phụ liệu dệt may ở Hà Nội và TP.HCM đã tiến hành, nhưng đến nay vẫn chưa thấy một sự chuyển biến mới mẻ nào.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên đã từng ví von: “Những ngư dân quần đùi áo cộc với những mảnh buồm đơn lẻ thì không thể đi vòng quanh đại dương như Magellan (Tây Ban Nha), Trịnh Hòa (Trung Quốc) bởi họ có trong tay những hạm đội lớn”. Hiện tại, Việt Nam đang giông buồm ra biển lớn với những thuận lợi ban đầu như thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhịp độ tăng xuất khẩu tăng theo cấp số nhân… là tiền đề đáng khích lệ, thế nhưng để hưởng lợi từ quan hệ đó còn rất hạn chế và khó khăn. Doanh nghiệp cần phải chú trọng nâng năng suất và tính cạnh tranh, chứ không phải là bản thân nguồn vốn hữu hình. Đây mới chính là yếu tố cơ bản cho sự phát triển bền vững của đất nước.

  • Tags: