Số liệu thống kê dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 9/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước đạt 5,85 tỷ USD, tăng 31% so với tháng 9/2023; trong đó, xuất khẩu nông sản chính 3,41 tỷ USD (tăng 50,9%), lâm sản 1,33 tỷ USD (tăng 11%), thủy sản 920 triệu USD (tăng 13,4%), chăn nuôi 46,1 triệu USD (tăng 19,1%).
Tính chung 9 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng và đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 24,85 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 12,46 tỷ USD, tăng 20,3%; thủy sản 7,23 tỷ USD, tăng 9,5%; chăn nuôi 376 triệu USD, tăng 3,8%...
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của ngành đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái như: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,66 tỷ USD, tăng 21,3%; cà phê 4,37 tỷ USD, tăng 39,6% trong khi lượng xuất khẩu giảm 10,5%; gạo 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% với lượng 7,01 triệu tấn, tăng 9,2%; hạt điều 3,17 tỷ USD, tăng 22,5%; rau quả 5,87 tỷ USD, tăng 39,4); tôm 2,79 tỷ USD, tăng 10,5%; cá tra 1,36 tỷ USD, tăng 7,8%; hạt tiêu 1 tỷ USD, tăng 46,9%.
Giá xuất khẩu bình quân của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng, trong đó cà phê tăng cao nhất với 56% đạt 3.897 USD/tấn; đứng thứ hai là hạt tiêu đạt 4.941 USD/tấn, tăng 49,2%; tiếp đến là cao su tăng 19%, gạo tăng 13,1%...
Trong 9 tháng, giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường đều tăng như: Châu Á tăng 17,4%; châu Mỹ tăng 26,1%; châu Âu tăng 34,6%; châu Đại Dương tăng 16,1%; riêng châu Phi giảm 0,3%. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; trong đó Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao nhất với mức 21,6%; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 20,8% và Nhật Bản chiếm 6,6%.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng năm 2024 là 32,42 tỷ USD, tăng 7,5%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu nông sản là 19,95 tỷ USD, tăng 7,6%; sản phẩm chăn nuôi 2,8 tỷ USD, tăng 9,2%; thuỷ sản 1,89 tỷ USD, giảm 2,5%; lâm sản 2,09 tỷ USD, tăng 25,7%; đầu vào sản xuất 5,67 tỷ USD, tăng 4,6%; muối 26 triệu USD, giảm 21,8%.
Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ châu Á 9,4 tỷ USD, tăng 10,2%; châu Mỹ 7,99 tỷ USD, tăng 13,9%; châu Đại Dương 1,3 tỷ USD, giảm 39,4%; châu Âu 1,5 tỷ USD, tăng 22,4% và châu Phi 1,3 tỷ USD, giảm 12,2%.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phê duyệt và triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU... từ cuối năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường, tìm kiếm, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả, giúp tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 21%, duy trì xuất siêu trung bình mỗi tháng trên 1,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 13,86 tỷ USD, tăng 71,2% so với cùng kỳ trước.
Công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam. Đến nay, các địa phương đã thiết lập và cấp 7.639 mã số vùng trồng tại 56 tỉnh và 1.557 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…
Thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi...
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.