Trong phiên giao dịch ngày 7/9, giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) đã có lúc rơi mạnh còn 718,50 Nhân dân tệ/tấn – mức thấp nhất trong vòng hơn 7 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, sau khi dữ liệu mới nhất được công bố cho thấy lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 8 vừa qua đã tăng 10,1% so với hồi tháng 7 trước đó đã đẩy giá quặng sắt bật tăng trở lại.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/9, giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên sàn DCE tăng 1,1% lên 763 Nhân dân tệ (tương đương 118,18 USD)/tấn. Giá quặng sắt trên sàn DCE thường được xem là giá tham khảo cho các hợp đồng giao dịch quặng sắt trên thị trường kỳ hạn tại Trung Quốc và Châu Á
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cũng cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% được nhập khẩu tại khu vực miền Bắc Trung Quốc trong phiên giao dịch ngày 7/9 đã tăng mạnh 4,2% lên 137,97 USD/tấn. Mức giá này thường được xem là giá tham khảo cho các hợp đồng giao dịch quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc cũng như trên toàn khu vực Châu Á.
Tính chung cả tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 97,5 triệu tấn quặng sắt với tổng giá trị đạt mức kỷ lục 20 tỷ USD. Đây cũng là tháng đầu tiên Trung Quốc ghi nhận lượng quặng sắt nhập khẩu tăng trở lại sau 5 tháng suy giảm liên tiếp. Thông tin này đã gây ngạc nhiên đối với thị trường do Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất thép trong thời gian gần đây nhằm đạt mục tiêu cắt giảm lượng khí nhà kinh phát thải trong năm nay.
Hãng chứng khoán phái sinh Sinosteel Futures (Trung Quốc) cho biết mặc dù hoạt động sản xuất thép tại Trung Quốc đang phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về cắt giảm khí thải nhưng nhu cầu sử dụng quặng sắt nội địa đã không sụt giảm mạnh như các dự báo trước đây do Chính phủ Trung Quốc chưa đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động sản xuất thép trên quy mô lớn.
Bên cạnh đó, giá quặng sắt hiện đang được nâng đỡ bởi rủi ro thiếu hụt nguồn cung quặng sắt chất lượng cao trong tương lai do cuộc đảo chính quân sự tại quốc gia Châu phi Guinea vừa diễn ra vào ngày 5/9. Guinea hiện sở hữu mỏ quặng sắt chất lượng cao Simandou với trữ lượng lên tới 8,6 tỷ tấn và quặng sắt tại đây có hàm lượng sắt trung bình lên tới 65%. Mỏ Simandou hiện là mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới chưa được khai thác quy mô lớn.
Một số tập đoàn khai thác quặng sắt hàng đầu thế giới như Rio Tinto (Australia) và Vale (Brazil) đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác tại mỏ Simandou. Tuy nhiên những tranh chấp pháp lý cùng với cuộc đảo chính quân sự lần này sẽ khiến tiến độ khai thác khu mỏ chậm lại đáng kể.
Bên cạnh đó, Guinea cũng là quốc gia xuất khẩu quặng bauxite lớn thứ hai thế giới sau Australia, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ngành nhôm toàn cầu. Cuộc đảo chính quân sự đã đẩy giá nhôm trên thị trường quốc tế chạm mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây do lo ngại nguồn cung bauxite bị gián đoạn.
Phe quân sự sau khi lên nắm quyền đã ban bố lệnh giới nghiêm, đóng cửa toàn bộ biên giới đất liền nhưng cho phép mở cửa các cảng biển để duy trì hoạt động xuất khẩu khoáng sản.
Giới phân tích cảnh báo cuộc đảo chính quân sự tại Guinea có thể khiến các hãng khai thác và xuất khẩu khoáng sản tại đây phải đàm phán lại các hợp đồng với chính quyền mới, gia tăng rủi ro đứt gãy nguồn cung và thúc đẩy giá một số kim loại công nghiệp tăng cao trong thời gian tới.