Giá kim loại thiếc hợp đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) hiện đang được giao dịch quanh mức 27.135 USD/tấn, tiệm cận mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây – 30.995 USD/tấn vốn được xác lập hồi tháng 2 vừa qua. Lượng tồn trữ thiếc tại các nhà kho của sàn LME hiện chỉ còn 1.290 tấn, giảm 570 tấn so với hồi đầu năm.
Trong khi đó, mức chênh lệch giữa giá thiếc giao ngay với giá thiếc giao sau 3 tháng tiếp tục tăng lên mức 1.200 USD/tấn. Chốt phiên giao dịch ngày 26/4 (theo giờ địa phương), giá thiếc giao ngay đạt 28.250 USD/tấn.
Một số nhà cung ứng cho biết giá thiếc giao ngay tại khu vực Châu Âu hiện cao hơn ít nhất 1.000 USD/tấn so với mức giá thiếc giao ngay trên sàn LME nhưng cũng rất ít đơn vị có khả năng cung cấp. Tình trạng tương tự diễn ra tại Hoa Kỳ với mức giá thiếc trên thị trường cao hơn ít nhất 2.000 USD/tấn so với mức giá thiếc giao ngay trên sàn LME.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), giá thiếc giao ngay thực tế hiện cao hơn khoảng 800 USD – 900 USD/tấn so với mức giá tham chiếu trên sàn LME. Tuy nhiên, lượng thiếc tồn trữ tại nhà kho Cao Hùng thuộc sàn LME hiện chỉ còn 145 tấn.
Giá thiếc có xu hướng tăng cao trong bối cảnh sụt giảm nguồn cung thiếc từ Indonesia - quốc gia cung ứng thiếc lớn nhất thế giới. Tổng lượng thiếc được Indonesia xuất khẩu trong quý 1/2021 đã giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ năm 2018, xuất khẩu thiếc của Indonesia đã liên tục giảm xuống khi chính phủ nước này siết chặt các quy định về xuất khẩu thiếc và nâng yêu cầu chất lượng đối với thiếc tinh luyện xuất khẩu nhằm nâng giá thiếc.
Kim loại thiếc hiện được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất các bảng mạch điện tử. Hãng sản xuất thiếc lớn nhất Indonesia – PT Timah cho biết sẽ buộc phải hạ sản lượng khai thác và khối lượng thiếc cung ứng ra thị trường trong năm nay. Bên cạnh đó, Indonesia cũng chưa cho biết rõ khi nào các doanh nghiệp khai thác thiếc tư nhân tại nước này có thể nâng sản lượng khai thác và mức xuất khẩu thiếc.
Bên cạnh đó, việc khối ngành sản xuất chế tạo tại Trung Quốc hồi phục tốt sau đại dịch Covid-19 đang đẩy nhu cầu sử dụng thiếc tăng lên. Trung Quốc vốn là quốc gia sản xuất thiếc lớn nhất thế giới nhưng trong 2 năm gần đây, nước này đã phải nhập khẩu ròng kim loại này. Tổng lượng thiếc được Trung Quốc xuất khẩu trong quý 1 vừa qua chỉ đạt 2,151 tấn, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Các dữ liệu cho thấy lượng thiếc tồn trữ tại các nhà kho thuộc Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) hiện đang đạt 7.512 tấn. Mặc dù con số này thấp hơn mức 8.853 tấn được ghi nhận hồi tháng 3 vừa qua nhưng đây cũng là mức cao hơn nhiều so với lượng tồn trữ trên sàn LME.
Bên cạnh đó, sản lượng thiếc tinh luyện của Trung Quốc đang dần tăng cao hơn. Nguồn cung quặng thiếc thô cho Trung Quốc từ Myanmar cũng không bị ảnh hưởng bởi các căng thẳng chính trị gần đây. Do đó, giới phân tích nhận định Trung Quốc đang nắm vai trò quyết định đối với nhiều hoạt động sản xuất vốn sử dụng nhiều thiếc.
Nhiều nhà phân tích hiện kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu thiếc khi mức chênh lệch giữa giá thiếc tại thị trường quốc tế với giá tại thị trường nội địa Trung Quốc lên cao, đủ tạo ra lợi nhuận hấp dẫn đối với các đơn vị cung ứng thiếc tại đây. Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định Indonesia có thể đẩy mạnh xuất khẩu thiếc trong nửa cuối năm nay, giúp bình ổn giá thiếc trên thị trường.