Giá vàng sẽ giảm còn 1.050 USD/ounce trong năm 2014

Năm 2013 đã đánh dấu kết thúc mạch tăng giá 12 năm liên tiếp của vàng. Nguyên nhân chủ yếu do các thị trường chứng khoán trên toàn cầu tăng điểm nhờ triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế và lạm p

Trong năm 2013, giá vàng giao tương lai trên Sàn giao dịch Comex (New York) đã giảm tới 28% xuống còn 1.202,30 USD/ounce. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1981. Trong khi đó, chỉ số Standard & Poor’s GSCI Spot Index, đo lường mức biến động giá của 24 loại hàng hóa nguyên liệu thô, đã giảm 2,2%. Chỉ số MSCI All-Country World Index, chỉ số đánh giá hiệu quả các thị trường vốn của 45 quốc gia trên thế giới, đã tăng 20%.

Giá vàng đã có mạch tăng giá kéo dài 12 năm, tăng 500% kể từ năm 2000 nhờ đồng USD suy yếu. Đặc biệt, trong giai đoạn từ tháng 12/2008 đến tháng 6/2011, đà tăng của giá vàng đã được đẩy nhanh khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gia tăng quy mô chương trình mua trái phiếu nhằm giúp nền kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái. Vào tháng 9/2011, giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục với 1.923,70 USD/ounce.

Thoái vốn

Theo công ty nghiên cứu EPFR Global, trong năm 2013, các nhà đầu tư đã rút 38,6 tỷ USD ra khỏi các quỹ đầu tư vàng. Đây là mức thoái vốn cao nhất kể từ năm 2000. Vào ngày 19/12, giá vàng trên thị trường tương lai đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây khi Fed quyết định giảm quy mô chương trình mua trái phiếu từ 85 tỷ USD/tháng xuống mức 75 tỷ USD/tháng, làm giảm khả năng lạm phát tăng. Theo cuộc khảo sát vào ngày 19/12/2013 của Bloomberg đối với các nhà kinh tế học, Fed có khả năng cắt quy mô chương trình mua trái phiếu xuống chỉ còn 10 tỷ USD/tháng trước khi kết thúc chương trình này vào tháng 12/2014.

Trong ngày 19/12, ông Jeffrey Currie, trưởng ban nghiên cứu hàng hóa tại tập đoàn Goldman Sachs Group Inc. (Mỹ) nhận định, giá vàng có khả năng sẽ giảm xuống nữa trong năm 2014. Trong một báo cáo được công bố vào ngày 20/11/2013 của Goldman Sachs, giá vàng được dự báo sẽ giảm về mức 1.050 USD/ounce vào cuối năm 2014.

Bên cạnh đó, ông Jim Russel, chiến lược gia chứng khoán cấp cao của U.S Bank Wealth Management, nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế có thể khiến các nhà đầu tư đổ dồn vốn vào thị trường chứng khoán. Điều này có thể khiến lạm phát tăng lên, qua đó khôi phục nhu cầu đối với vàng.

Quỹ đầu tư ETP

Theo số liệu tổng hợp của Bloomberg, theo đà giảm của giá vàng thì lượng vàng được nắm giữ bởi 14 quỹ đầu tư vàng ETP lớn nhất thế giới đã giảm 33% xuống còn 1.764,1 tấn. Sự sụt giảm của giá vàng cũng khiến giá trị của các quỹ ETP “bốc hơi” 73,4 tỷ USD. Trong quý II/2013, nhà đầu cơ huyền thoại tỷ phú Mỹ George Soros đã bán tháo toàn bộ cổ phần của mình tại SPDR Gold Trust – quỹ đầu tư tín thác vàng ETP lớn nhất thế giới.

Vào ngày 20/11/2013, tỷ phú người Mỹ John Paulson, nhà đầu tư lớn nhất của quỹ SPDR Gold Trust đã cho biết cá nhân ông sẽ không đổ thêm tiền vào thị trường vàng do tình hình lạm phát không biết rõ lúc nào sẽ tăng trở lại.

Đặng Quang (Theo Bloomberg)