Trong một báo cáo được công bố vào ngày 20/11, các nhà phân tích của tập đoàn Goldman, đã cho biết, mức rủi ro lớn nhất là đối với quặng sắt do sự gia tăng nguồn cung, những áp lực lên giá hàng hóa sẽ trở nên rõ ràng hơn sau năm 2014.
Chỉ số Standard & Poor’s GSCI Index, theo dõi biến động giá của 24 loại hàng hóa nguyên liệu thô, đã giảm 5% trong năm nay chủ yếu do giá ngô sụt giảm khi nguồn cung tăng mạnh và giá các kim loại quý đi xuống do lo ngại Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ cắt giảm quy mô gói kích thích kinh tế.
Tập đoàn Goldman dự báo giá quặng sắt, vàng, đậu tương và đồng sẽ sụt giảm đáng kể, và điều này sẽ làm suy yếu đồng tiền của những nước sản xuất những loại hàng hóa nguyên liệu này, bao gồm đồng Đô la Australia và đồng Rand Nam Phi.
Các nhà phân tích của tập đoàn Goldman cho biết, ảnh hưởng từ việc nguồn cung gia tăng vẫn tiếp tục tạo áp lực lên giá các loại hàng hóa nguyên liệu trên thị trường.
Vàng được dự báo sẽ giảm xuống mức 1.050 USD/ounce trong năm 2014; vàng đang hướng đến năm giảm giá đầu tiên kể từ năm 2000 do các nhà đầu tư rời bỏ thị trường vàng.
Đậu tương được tập đoàn Goldman dự báo giảm xuống còn 9,50 USD/giạ (27,2 kg) vào năm 2014, so với mức giá đóng cửa 12,7375 USD/giạ tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago vào ngày 20/11.
Giá đồng trong năm 2014 cũng được dự báo chạm mức 6.200 USD/tấn, so với mức giá đóng cửa 6.996 USD/tấn trên Sàn giao dịch kim loại London vào ngày 20/11.
Quặng
sắt
Dự báo giá quặng sắt trong năm 2014 của một số tập đoàn tài chính lớn
HSBC Holdings Plc: 115 USD/tấn
Goldman Sachs Group: 108 USD/tấn
UBS: 106 USD/tấn
Standard Bank: 122 USD/tấn
Giá quặng sắt chịu áp lực giảm khi rơi vào trạng thái dư thừa nguồn cung do một loạt các hãng khai khoáng lớn nhất thế giới như BHP Billiton, Rio Tinto hay Vale SA mở rộng hoạt động khai thác.
Vào hồi tháng 10/2013, Rio Tinto đã cho biết việc nâng công suất khai thác của hãng tại mỏ Pibara thuộc Australia từ mức 290 triệu tấn lên 360 triệu tấn đang được thực hiện. Hãng khai khoáng Fortescue Metals cũng cho biết, hãng này đang trong quá trình nâng công suất lên mức 155 triệu tấn vào cuối năm 2013.
Việc mở rộng hoạt động khai thác chủ yếu để đáp ứng nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc nhưng mức hấp thụ quặng sắt của thị trường Trung Quốc đã giảm xuống trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 25 năm.
Ngân hàng Thụy Sĩ UBS dự báo mức dư thừa quặng sắt được vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu sẽ đạt mức 154 triệu tấn trong năm 2014 so với mức 24 triệu tấn trong năm nay do nguồn cung từ các mỏ khai thác tại Australia tăng lên. Theo Vale SA, hãng khai thác quặng sắt lớn nhất trên thế giới, cho biết nguồn cung quặng sắt hiện tăng cao hơn nhu cầu tiêu thụ, qua đó giảm khả năng giá quặng sắt sẽ tăng lên trong thời gian tới.
UBS dự báo giá quặng sắt sẽ đạt mức trung bình 106 USD/tấn trong năm 2014 và 95 USD/tấn trong năm 2015.
Đậu tương
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng đậu tương toàn cầu sẽ tăng vọt 5,3% lên mức cao kỷ lục 281,7 triệu tấn trong năm nay trong khi nhu cầu chỉ tăng 4,3% lên mức 268,9 triệu tấn. Sản lượng tại Mỹ sẽ tăng 4,2% lên mức 86 triệu tấn đủ để đáp ưng nhu cầu sử dụng trong vòng 1 năm của Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới, theo khảo sát của hãng tin Bloomberg.
Tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia, sản lượng đậu tương đạt mức kỷ lục trong mùa vụ này không đồng nghĩa với việc gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung ngay lập tức do các nhà nhập khẩu và chế biến đậu tương vẫn tiếp tục nhập khẩu đậu tương từ Mỹ khiến lượng đậu tương tồn kho giảm xuống mức thấp. Theo số liệu của USDA, lượng đậu tương dự trữ tại các nhà kho của Mỹ giảm xuống còn 3,8 triệu tấn vào ngày 1/9/2013 – mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Ông Demien Courvalin, chuyên gia phân tích tại Goldman cho biết, tình trạng mùa vụ tốt hơn dự báo tại Mỹ cùng với việc khu vực Nam Mỹ gia tăng hoạt động gieo trồng đậu tương sẽ khiến giá đậu tương rơi xuống thấp hơn.
Tập đoàn tài chính Societe General SA dự báo giá đậu tương sẽ đạt mức trung bình 12,50 USD/giạ trong năm 2014, thấp hơn 11% so với giá đậu tương được dự báo trong năm 2013. Giá đậu tương đã đạt mức trung bình cao nhất từng được ghi nhân tại mốc 14,50 USD/giạ vào năm 2012 khi trận hạn hán tồi tệ nhất kể từ những năm 1930 tại Mỹ tàn phá mùa màng.