Trong ngày 19/10, các chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn HSBC Holdings Plc, bao gồm nhà kinh tế học Frederic Neumann đã dẫn chứng số liệu từ Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho biết, nhu cầu đối với vàng trang sức, vàng thỏi và tiền xu bằng vàng tại Ấn Độ, Trung Quốc đại lục, Indonesia và Việt Nam đã tăng lên chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu vàng toàn cầu từ mức 35% trong năm 2004. Ông Frederic Neumann cho biết, vàng được chủ yếu sử dụng như phương tiện cất trữ giá trị tại các nước châu Á.
Giá vàng đang hướng đến năm giảm đầu tiên kể từ năm 2000 do nền kinh tế Mỹ phục hồi và khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm chương trình kích thích kinh tế. Sự sụt giảm mạnh của giá vàng đã khiến nhu cầu mua vàng trang sức và tiền xu bằng vàng trên khắp châu Á tăng lên.
Giá vàng đã tăng 70% trong giai đoạn từ cuối tháng 12/2008 đến tháng 6/2011, và đạt mức cao kỷ lục 1.921,15 USD/ounce vào ngày 6/9/2011 do Fed bơm hơn 2.000 tỷ USD vào hệ thống tài chính thông qua việc mua trái phiếu nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, chỉ trong 2 ngày 14 và 15/4/2013, giá vàng đã sụt giảm 14% - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1983.
Ông Frederic Neumann cho biết: “Với tỷ lệ lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều nước (châu Á) và tỷ lệ lãi suất hiện không đủ bù đắp chi phí lạm phát, nhu cầu sử dụng vàng tại châu Á được dự báo sẽ tiếp tục lên cao. Châu Á hiện đang gia tăng mua vàng. Trong vài năm gần đây, nhu cầu mua vàng đã tăng cao”.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã sụt giảm 21% và được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm trong vòng 4 quý tới, xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm do các chương trình kích thích kinh tế bị cắt giảm, qua đó giảm nhu cầu sử dụng vàng xuống.
Theo ông Frederic Neumann, tại các thị trường như Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc, người tiêu dùng có rất ít lựa chọn để có thể bảo vệ lượng tiền tiết kiệm của mình khỏi tình trạng lạm phát. Trong những năm gần đây, lạm phát tăng đã khiến nhu cầu sử dụng vàng tại một số quốc gia tăng lên.
Tập đoàn HSBC dự báo, mức giá tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ tăng từ mức 2,6% trong năm nay lên 2,7% trong năm 2014 và 3,1% trong năm 2015. Lạm phát tại Ấn Độ được dự báo sẽ ở mức 8,7% trong năm nay, 7,7% trong năm 2014 và 7,9% trong năm 2015.
Trong năm nay, Chính phủ Ấn Độ đã 3 lần nâng thuế nhập khẩu đối với vàng thỏi nhằm giảm bớt nhu cầu mua vàng của người dân Ấn Độ sau khi tình trạng nhập khẩu vàng nhiều khiến thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ tăng và ảnh hưởng đến đồng Rupee. Ngày 1/10/2013, ông Arvind Mayaram, thứ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết, Chính phủ nước này lên kế hoạch duy trì nhập khẩu vàng tại mức 800 tấn trong năm tính đến ngày 31/3/2014, giảm so với mức 845 tấn trong năm 2012.
Ông Frederic Neumann cho biết: “Nhu cầu mua vàng tăng cao tại khu vực châu Á đi liền với việc thâm hụt tài khoản vãng lai của các quốc gia. Tất nhiên, vàng không phải nguyên nhân duy nhất, thậm chí cũng không phải là nguyên nhân chính khiến thặng dư thương mại giảm (nguyên nhân chính là giá dầu tăng). Tuy nhiên, nhập khẩu vàng tăng rõ ràng không có lợi đối với cán cân thương mại”.