Tạp chí Công Thương sẽ giải đáp một số thắc mắc của người lao động xung quanh nội dung này:
Ông Hoàng Anh Sang (Bắc Giang) hỏi: Tôi năm nay 54 tuổi, tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) liên tục 31 năm. Tôi muốn về hưu sớm một năm. Nhưng đơn vị tôi công tác không giải quyết và hướng dẫn tôi phải làm đơn xin nghỉ việc cùng cam kết chỉ được trợ cấp một lần. Vậy nghỉ hưu sớm khác gì nghỉ việc?
Đáp: Theo thông tư Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới ban hành, từ 15/2/2016, người lao động đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc các trường hợp: suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời; giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi; suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động, Bộ Y tế ban hành không kể tuổi đời. Tuy nhiên, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 1% lương hưu.
Khi đủ tuổi 55, bác đủ điều kiện hưởng chế độ hưu. Nếu chưa đủ tuổi 55 mà bị suy giảm 61% khả năng lao động thì bác cũng được hưởng lương hưu ngay nhưng bị trừ tỉ lệ % lương hưu. Người đang làm việc sẽ do đơn vị giới thiệu đi giám định y khoa và chịu chi phí; người nghỉ việc do cơ quan BHXH giới thiệu đi giám định y khoa thì cá nhân tự chịu chi phí.
Trường hợp tại thời điểm nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của Bộ luật Lao động.
Bạn Nguyễn Trang (25 tuổi) hỏi: Quyền và lợi ích của người lao động xã hội được quy định cụ thể ở văn bản nào?
Đáp: Chào bạn! Theo quy định tại Điều 15 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội có quyền sau đây:
- Được cấp sổ bảo hiểm xã hội.
- Nhận sổ bảo hiểm xã hội khi không còn làm việc.
- Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời.
- Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
+ Đang hưởng lương hưu:
+ Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
+ Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Uỷ quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm.
- Yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội; yêu cầu tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội.
- Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội .
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bạn Minh Đức (Hà Nội) hỏi: Tôi ký hợp đồng lao động không thời hạn với một công ty. Nay tôi muốn nộp đơn xin nghỉ việc. Tôi phải báo trước thời gian bao lâu và nếu tôi vi phạm thời gian báo trước thì công ty có quyền giữ sổ bảo hiểm xã hội của tôi hay không?
Đáp: Theo Điều 47 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:
1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.”
Sau thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty bạn có trách nhiệm thanh toán và trả sổ bảo hiểm xã hội chobạn, trừ trường hợp đặc biệt có thể kéo dài, nhưng không quá 30 ngày.