Giai đoạn tăng trưởng cao đã qua?
Kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX) ghi nhận 5.884 tỷ đồng doanh thu và 241 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 8% và 47% so với cùng kỳ năm 2023. Lĩnh vực gia công hàng may mặc xuất khẩu đóng góp 99% tổng doanh thu của công ty.
Ban lãnh đạo Dệt may TNG tự tin sẽ đạt doanh thu thuần cả năm nay từ 7.900 - 8.000 tỷ đồng và lãi ròng từ 310 tỷ đồng trở lên, tương ứng tăng khoảng 13% về doanh thu và tăng 42% về lãi ròng so với năm 2023. Qua đó, thiết lập các các mức cao kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động của công ty.
Tuy nhiên, theo nhận định mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, Dệt may TNG có thể đã bước qua giai đoạn tăng trưởng cao khi tốc độ tăng trưởng doanh thu kép hàng năm từ nay cho đến năm 2028 ước tính sẽ chỉ ở mức 4%.
Cụ thể, trong giai đoạn 2018 - 2023, nhờ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, doanh thu xuất khẩu của Dệt may TNG sang Hoa Kỳ có bước nhảy vọt với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 25%, đạt 3.240 tỷ đồng vào năm 2023, chiếm 46% tổng doanh thu, với khách hàng chính là The Children's Place.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ ngày càng cao và The Children's Place đang gặp khó khăn đáng kể, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá tốc độ tăng trưởng kép doanh thu xuất khẩu của Dệt may TNG sang Hoa Kỳ từ nay đến năm 2028 sẽ chỉ còn 2%.
Hiện The Children's Place đang tái cơ cấu chuyển từ mô hình bán lẻ truyền thống sang thương mại điện tử. Hãng bán lẻ này báo lỗ 70 triệu USD trong quý 2/2024, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái; đồng thời, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 195 triệu USD.
The Children's Place đang chiếm khoảng 10 - 15% lượng đơn hàng FOB vốn có giá trị cao của Dệt may TNG. Công ty hiện đã lên kế hoạch để giảm bớt lượng chuyền may cho khách hàng này kể từ quý 4/2024. Chứng khoán Rồng Việt nhận định các khoản phải thu của Dệt may TNG đối với The Children's Place có thể đối mặt rủi ro.
Tìm kiếm động lực mới từ thị trường châu Âu
Động lực tăng trưởng của Dệt may TNG thời gian tới sẽ phụ thuộc vào thị trường châu Âu với khách hàng chính là Decathlon - nhà bán lẻ đồ thể thao lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn 2018 - 2023, doanh thu xuất khẩu sang châu Âu của Dệt may TNG tăng trưởng kép là 8%, đạt 2.650 tỷ đồng vào năm 2023, chiếm 38% tổng doanh thu.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu tại thị trường châu Âu của Dệt may TNG có diễn biến khá tương đồng với tăng trưởng của Decathlon khi hãng bán lẻ này cũng đạt tốc độ tăng trưởng kép 7% trong giai đoạn 2018 - 2023.
Bên cạnh đó, Chứng khoán Rồng Việt cũng lưu ý, tỷ lệ nợ vay của Dệt may TNG hiện đang cao gấp 1,5 lần so với vốn chủ sở hữu - mức cao nhất so với các công ty dệt may nội địa.
Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng 60% do đặc thù thâm dụng vốn lưu động. Mặt khác, nợ vay dài hạn cũng tăng nhanh kể từ năm 2020 do Dệt may TNG đầu tư nhà máy mới và Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1. Điều này khiến tỷ lệ bao phủ lãi vay (EBITDA/chi phí lãi vay) và chỉ số thanh toán nhanh (Quick liquidity ratio) của công ty lần lượt là 3,6 lần và 0,4 lần trong năm 2023, là mức thấp so với các công ty trong ngành Điều này hàm ý, Dệt may TNG có thể gặp phải khó khăn để thanh toán các khoản nợ nếu điều kiện kinh doanh không thuận lợi, Chứng khoán Rồng Việt nhận định.