Cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến 20/6/2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục hút vốn đầu tư FDI
Về cấp mới, trong nửa đầu năm có 1.538 dự án đầu tư FDI được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 9,54 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 46,9% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 6,83 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,89 tỷ USD, chiếm 19,9%; các ngành còn lại đạt 817,6 triệu USD, chiếm 8,5%.
Trong số 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,01 tỷ USD, chiếm 42,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 1,18 tỷ USD, chiếm 12,4%; Trung Quốc 1,01 tỷ USD, chiếm 10,6%; Nhật Bản 979 triệu USD, chiếm 10,3%; Thổ Nhĩ Kỳ 730,1 triệu USD, chiếm 7,7%; Đài Loan (Trung Quốc) 529,8 triệu USD, chiếm 5,6%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 592 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 3,95 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 6 tháng đầu năm nay đạt 10,37 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,99 tỷ USD, chiếm 14,8%; các ngành còn lại đạt 1,13 triệu USD, chiếm 8,3%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có 1.420 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,7 tỷ USD, giảm 57,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 501 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 696,7 triệu USD và 919 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1 tỷ USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 480,3 triệu USD, chiếm 28,3% trị giá góp vốn, mua cổ phần; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 324,7 triệu USD, chiếm 19,1%; ngành còn lại 893,1 triệu USD, chiếm 52,6%.
Đáng chú ý, vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,6 tỷ USD, chiếm 79,3% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1 tỷ USD, chiếm 9,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 418 triệu USD, chiếm 3,9%.
Vốn đầu tư FDI đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành phố
Lũy kế đến ngày 20/06/2024, cả nước có 40.544 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 484,77 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt khoảng 308 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo ngành, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 294,2 tỷ USD (chiếm 60,7% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với gần 70,6 tỷ USD (chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 40,8 tỷ USD (chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư).
Theo đối tác đầu tư, hiện có 146 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn gần 87,5 tỷ USD (chiếm 18% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 80,2 tỷ USD (chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc).
Theo địa bàn, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài với hơn 57,8 tỷ USD (chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Hà Nội với gần 43,5 tỷ USD (chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư); Bình Dương với gần 41,1 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư).