Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay của cả nước tiếp tục xu hướng tích cực với GDP tăng 6,42% so cùng kỳ năm trước, trong đó có đóng góp lớn của sự phục hồi và tăng trưởng khả quan của sản xuất công nghiệp.
Giá trị tăng thêm của ngành chế biến, chế tạo tăng hơn 10% trong quý II
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp quý II/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý I/2024, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 8,55% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,55%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,04%), đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Theo địa bàn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Trong đó, các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sáu tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Lai Châu tăng 76,1%; Phú Thọ tăng 35,1%; Bắc Giang tăng 26,8%; Bình Phước tăng 17,0%; Hà Nam tăng 15,8%; Hải Phòng tăng 15,6%. Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 375,3%; Trà Vinh tăng 79,1%, Cao Bằng tăng 36,4%; Thanh Hóa tăng 35,9%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện và ngành khai khoáng tăng thấp hoặc giảm.
Các địa phương có chỉ số của ngành công nghiệp chế biến chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Quảng Ngãi giảm 7,5%; Hà Tĩnh giảm 10,2%; Cà Mau giảm 0,04%; Gia Lai tăng 1,3%.
Các địa phương có chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện 6 tháng đầu năm 2024 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Quảng Ngãi giảm 18,8%; Hòa Bình giảm 16,9%; Sơn La giảm 7,6%; Gia Lai giảm 3,0%; Quảng Trị tăng 0,2%. Các địa phương có chỉ số ngành khai khoáng 6 tháng đầu năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm trước: Hà Giang giảm 54,0%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 13,9%; Lâm Đồng giảm 8,7%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép thanh, thép góc tăng 34,5%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 18,4%; thép cán tăng 17,3%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,7%; điện sản xuất tăng 12,2%...
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như:Khí hóa lỏng LPG giảm 18,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 16,0%; tivi giảm 9,6%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,6%; bia hơi, sắt thép thô và điện thoại thông minh cùng giảm 4,1%; alumin giảm 3,9%; ô tô giảm 3,2%...
4 điểm sáng nổi bật của sản xuất công nghiệp nửa đầu năm 2024
Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), kết quả sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận một số điểm tích cực.
Thứ nhất, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi từ quý I/2024 và tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn trong quý II/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước: quý I/2024 tăng 5,9%; quý II/2024 ước tăng 9,5%; 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 3/4 số ngành công nghiệp cấp I (gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải) tăng so cùng kỳ năm trước với mức tăng lần lượt là: 8,5%; 13% và 6,3%.
Thứ hai, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) tiếp tục đà tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn, 6 tháng đầu năm tăng 8,5% so cùng kỳ, trong khi cùng kỳ năm trước giảm 1,8%. Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất của một số ngành xuất khẩu chủ lực tăng trưởng khá, trong đó:
Nhóm ngành điện, điện tử: Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta trong thời gian qua, có sự phục hồi rõ nét nhất, quý I/2024 tăng 0,3%, quý II/2024 tăng 17,4%, 6 tháng đầu năm tăng 8,6%; sản xuất pin và ắc quy tăng 55,6%;...
Nhóm ngành gỗ và sản phẩm gỗ: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 12,3%;
Nhóm ngành dệt, may, da giày: Sản xuất dệt tăng 12,6%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan tăng 9,1%; sản xuất trang phục tăng 5,7%.
Thứ ba, ngành sản xuất và phân phối điện 6 tháng đầu năm nay tăng 13% so cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 0,8%), ngành điện đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của dân cư.
Thứ tư, trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tồn kho sản phẩm giảm thể hiện qua chỉ số sản xuất tăng, chỉ số tiêu thụ tăng cao hơn sản xuất, chỉ số tồn kho giảm.
Cụ thể, chỉ số sản xuất tăng 8,5%, chỉ số tiêu thụ tăng 10,8% (mức tăng chỉ số tiêu thụ cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất), chỉ số tồn kho thời điểm 30/6/2024 dự kiến tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tồn kho tăng 19,9% cùng thời điểm năm 2023. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2024 là 76,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2023 là 83,1%.
Kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực chi phí đầu vào và tìm đầu ra cho sản phẩm
Bên cạnh các điểm tích cực, theo bà Phí Thị Hương Nga, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 còn một số khó khăn.
Một là, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá nhưng trên nền sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 giảm (6 tháng đầu năm 2023 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước). Tốc độ tăng 6 tháng đầu năm nay chỉ cao hơn năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2021, 2022.
Hai là, ngành khai khoáng (ngành đóng góp 16% trong giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp) 6 tháng đầu năm giảm 5,5%, trong khi cùng kỳ năm trước giảm 2%. Trong đó, đáng chú ý ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm sâu 11,7% (trong đó khai thác dầu thô giảm 6,7%, khai thác khí đốt giảm 16%).
Ba là, một số ngành trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn gặp khó khăn hoặc dấu hiệu phục hồi chưa thực sự rõ nét, chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước: sản xuất ô tô và xe có động cơ giảm 5,5%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 3%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao giảm 2%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia giảm 3,9%;...
Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2024, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương hỗ trợ một số giải pháp quan trọng.
Trong đó, để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là giảm lãi suất cho vay với tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị là 47%. Về nguồn nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, 30,5% doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; 35,4% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, 31,2% doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp; 29% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn; 28,6% doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.
Về thị trường đầu ra, 27,7% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước; 21,4% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm...