Giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bến Tre

TS. HUỲNH THANH NHÃ (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp thống kê mô tả, so sánh để phân tích thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Bến Tre, kết hợp phương pháp chuyên gia để đánh giá những mặt làm được, những tồn tại hạn chế. Từ đó đề xuất các nhóm giải pháp về cơ chế và chính sách, môi trường sống và làm việc, lao động và đào tạo, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bến Tre.

Từ khóa: Doanh nghiệp, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Bến Tre.

1. Đặt vấn đề

Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Thời gian qua, mặc dù còn khá khiêm tốn, nhưng kết quả thu hút FDI của tỉnh Bến Tre là khá tốt và cao hơn so với nhiều tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án FDI đã có những tác động cụ thể cho sự phát triển kinh tế - xã hội qua từng năm của tỉnh, như đóng góp trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, gần 60% kim ngạch xuất khẩu hàng năm, tạo việc làm cho trên 18.000 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến dừa phát triển mạnh, tạo ra ngành công nghiệp mới như: may mặc, giày da, bao bì nhựa, phụ trợ ôtô,... thúc đẩy các dịch vụ về vận chuyển, ăn uống, lưu trú phát triển và đã bắt đầu đóng góp đáng kể cho nguồn thu của Bến Tre 1.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, việc thu hút FDI trong những năm qua của Bến Tre vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và mong đợi của địa phương. Tỉnh thu hút chưa nhiều dự án có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao, giá trị gia tăng, quy mô lớn. Chính vì vậy, cần thiết phải có chương trình, kế hoạch và chính sách thu hút đầu tư đồng bộ, toàn diện hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Từ những vấn đề trên, nghiên cứu đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các giải pháp tăng cường thu hút FDI phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre trong thời gian tới là cần thiết.

2. Tổng quan và phương pháp nghiên cứu

2.1. Tổng quan nghiên cứu

Nghiên cứu về quyết định FDI thường tập trung vào ba hướng nghiên cứu chính, đó là: (1) Tại sao phải thực hiện FDI; (2) Thực hiện đầu tư như thế nào; (3) Địa điểm đầu tư ở đâu; Vấn đề chọn quốc gia, địa phương nào để xây dựng nhà máy là tốt nhất, yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định địa điểm FDI... thường được các nhà đầu tư quan tâm. Thông thường nghiên cứu thực nghiệm về các yếu tố ảnh hưởng đến dòng chảy FDI vào quốc gia, địa phương được thực hiện theo hai hướng: (1) Nghiên cứu thực nghiệm về yếu tố ảnh hưởng đến dòng chảy FDI vào quốc gia, địa phương dựa vào khai thác dữ liệu thứ cấp và (2) Dựa vào dữ liệu quan sát từ phía nhà đầu tư trên cơ sở khảo sát ý kiến nhà quản lý doanh nghiệp về các nhân tố ảnh hưởng đến FDI.

Nguyễn Mạnh Toàn (2010) đã xác định những nhân tố chủ yếu giúp thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào một địa phương của Việt Nam gồm bốn nhóm nhân tố: tài nguyên, cơ sở hạ tầng, chính sách và kinh tế và được chia thành 8 tiểu nhóm chi tiết: nhân lực, tài nguyên, vị trí địa lí, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ưu đãi và hỗ trợ, lợi thế chi phí, thị trường tiềm năng. Kết quả cho thấy, hạ tầng về kỹ thuật, sự ưu đãi và hỗ trợ của chính quyền địa phương, chi phí hoạt động thấp là những nhân tố có ảnh hưởng quan trọng khi nhà đầu tư xem xét lựa chọn địa điểm đầu tư tại Việt Nam. Những nhân tố như: Thị trường tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực có ảnh hưởng nhưng ít quan trọng hơn 3 yếu tố trên, trong khi đó vị trí địa lí và cơ sở hạ tầng xã hội có rất ít ảnh hưởng.

Phan Văn Tâm (2011) cho rằng, có bốn nhóm nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào các tỉnh Việt Nam gồm: Nhân tố thuộc đặc trưng riêng của doanh nghiệp, nhân tố thuộc đặc trưng của tỉnh, nhân tố vĩ mô và nhân tố hấp dẫn. Trong đó, giá nhân công rẻ và sự ổn định kinh tế vĩ mô ảnh hưởng thuận chiều đối với thu hút FDI của Nhật Bản vào Việt Nam.

Fawaz (2009) nghiên cứu tầm quan trọng của các yếu tố lợi thế địa điểm đối với dòng vốn FDI trong ngành công nghiệp hóa dầu ở Saudi Arabia thông qua khảo sát nhà quản lí cấp cao. Bảng câu hỏi gồm 2 phần: (1) Mức độ quan trọng của các yếu tố khi quyết định địa điểm; (2) Đánh giá sự hấp dẫn của các yếu tố này so với khu vực. Dữ liệu được phân tích thống kê mô tả để xác định tầm quan trọng tương đối giữa các nhân tố lợi thế địa điểm trong quyết định địa điểm đối với dòng vốn FDI và mức độ hấp dẫn của từng nhân tố này. Kết quả cho thấy thứ tự quan trọng của các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm trong ngành công nghiệp hóa dầu lần lượt là: yếu tố chi phí, cơ sở hạ tầng và công nghệ, chính trị và luật pháp, thị trường, văn hóa xã hội...

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài đã sử dụng phương pháp phân tích thống kê mô tả, so sánh với các số liệu thứ cấp trong giai đoạn 2010-2015 của Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, để đánh giá thực trạng hoạt động và phân tích mức độ đóng góp của các doanh nghiệp FDI đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre. Kết hợp sử dụng phương pháp chuyên gia thông qua phỏng vấn sâu các nhà quản lý DN, các sở, ban, ngành, trường cao đẳng Bến Tre tại các Hội thảo khoa học của tỉnh Bến Tre.

3. Đánh giá thực trạng thu hút FDI của tỉnh Bến Tre

3.1. Thực trạng thu hút FDI của tỉnh Bến Tre

Về tổng vốn FDI: Vốn đầu tư của khu vực FDI luôn chiếm tỷ trọng khá ổn định trong tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Nếu như 2010, vốn FDI vào khoảng 1.169 tỷ đồng, chiếm hơn 12,5% thì các năm tiếp theo đến 2015 cơ cấu vốn này gần như dao động ở mức 12% trong tổng vốn đầu tư toàn tỉnh.

Hình 1. Vốn đầu tư vào Bến Tre từ năm 2010 - 2015 (tỷ đồng)

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre năm 2015

Về số dự án và tổng vốn đăng ký: Trong thời gian qua, Bến Tre đã có sự chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút và giữ chân nhà đầu tư thông qua việc đầu tư phát triển hạ tầng 2 khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp, tăng mạnh đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước và đào tạo lao động để phục vụ đầu tư. Tính đến thời điểm năm 2015, toàn tỉnh Bến Tre có 49 dự án FDI đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 436 triệu USD. Riêng năm 2015, tổng vốn FDI vào Bến Tre đạt hơn 166 triệu USD, kể cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn.

Hình 2. Số lượng dự án và vốn đăng ký (USD) từ năm 2010 – 2015

Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre năm 2015

Về quy mô doanh nghiệp FDI: Trong năm 2015, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 2,64% so với tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh là 1.854 doanh nghiệp. Nhưng xét về quy mô doanh nghiệp, loại hình này chiếm ưu thế hơn hẳn về số doanh nghiệp có quy mô lớn.

Cụ thể, trong tổng số 15 doanh nghiệp có qui mô trên 500 tỷ thì có 6 doanh nghiệp FDI, chiếm 40%. Loại hình này cũng chiếm 21% trong tổng số doanh nghiệp có quy mô từ 50 - 500 tỷ. Để có được những con số này, tỉnh đã có sự chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút và giữ chân nhà đầu tư thông qua việc đầu tư phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng.

Bảng 1. Vốn đăng ký doanh nghiệp phân theo loại hình hoạt động

Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre năm 2015

Về lĩnh vực đầu tư: Hiện các dự án FDI đầu tư vàoBến Trekhá đa dạng, khai thác từ các thế mạnh kinh tế nông nghiệp của tỉnh như chế biến các sản phẩm nông, thủy sản đến khai thác nguồn lao động phục vụ các ngành công nghiệp, như gia công giày, may mặc, túi xách, công nghiệp phụ trợ, điện, ôtô và các ngành dịch vụ khác.

Vốn FDI của Bến Tre tập trung mạnh vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo với 33 dự án, có tổng vốn đăng ký là 339 triệu USD, chiếm 77% về số dự án và 95,57% về vốn đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11% số dự án. Một số ít dự án thuộc lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa và dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Hình 3. Số dự án FDI tại Bến Tre phân theo ngành đầu tư

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre năm 2015

Về đối tác đầu tư: Hiện tại, có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư dự án FDI tại Bến Tre, đa số nhà đầu tư đến từ châu Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và một số nước khác như Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Nga, Canada, Mỹ, Úc, New Zealand. Trong số này, nếu tính về vốn đăng ký, Thái Lan là nhà đầu tư số 1 tại Bến Tre, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc. Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông, Đài Loan) có nhiều dự án FDI nhưng chỉ có 36,7 triệu USD vốn đăng ký, đa số có quy mô nhỏ và chỉ tập trung phần lớn vào lĩnh vực chế biến các mặt hàng từ dừa, như thạch dừa, chỉ xơ dừa, dừa trái, cơm dừa nạo sấy…

Về quy mô lao động: Có thể thấy cùng với sự tăng lên về số lượng dự án FDI, tỷ lệ lao động tham gia vào loại hình doanh nghiệp này cũng ngày càng tăng. Đặc biệt từ năm 2014 và 2015 tỉ lệ lao động tham gia tăng nhanh, chiếm lần lượt 30% và 36%. Giải thích cho thực trạng này đó là sự tăng lên về các dự án sử dụng lao động lớn chủ yếu trong lĩnh vực lắp ráp và may mặc với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc,…

So với các loại hình doanh nghiệp khác, qui mô lao động trong các doanh nghiệp có vốn FDI là rất lớn. Cụ thể, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp với qui mô lao động trên 5.000 người thì tất cả đều thuộc về doanh nghiệp FDI. Với qui mô lao động từ 1.000 - 5.000 người, loại hình doanh nghiệp này cũng chiếm tới 40%. Ngoài lĩnh vực bán buôn và dịch vụ sử dụng số lượng lao động ít, một số doanh nghiệp FDI có quy mô nhỏ từ các nhà đầu tư Trung Quốc với ngành nghề chủ yếu là chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ dừa cũng sử dụng số ít lao động (từ 10 - 200 người).

3.2. Những mặt tích cực đạt được

Với những nỗ lực thu hút FDI trong thời gian qua, có thể nói Bến Tre đã đạt được những thành tựu vượt trội, như:

Số lượng dự án tăng qua các năm: Thời gian qua số lượng dự án cũng như vốn đăng ký có chiều hướng tăng dần qua các năm. Có được những thành quả này là nhờ sự đóng góp của nhiều nhân tố, có thể kể đến đó là nhân tố kết cấu hạ tầng được cải thiện, công tác xúc tiến đầu tư chủ động và thực hiện cải cách thủ tục hành chính tích cực.

Thu hút được một số dự án lớn: Những năm gần đây, chất lượng các dự án FDI đầu tư vào tỉnh Bến Tre có chiều hướng tăng khi đã thu hút được một số dự án lớn (2 dự án trên 1.000 tỷ đồng), sử dụng công nghệ hiện đại (sản xuất linh kiện ô tô) và nhiều dự án sử dụng lao động lớn.

Tạo nhiều việc làm và cải thiện nguồn lao động: Đến nay khu vực có FDI đã tạo ra việc làm cho hơn 30% lao động toàn tỉnh, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống của một bộ phận trong cộng đồng dân cư. Sự hoạt động của doanh nghiệp FDI có tác động trực tiếp đến số lượng và chất lượng lao động, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng lao động và quản trị doanh nghiệp thông qua các hình thức đào tạo lao động trong chính các doanh nghiệp.

3.3. Những tồn tại hạn chế

Theo đánh giá của các chuyên gia, tuy tỉnh Bến Tre đã đạt được những kết quả khá quan trọng, nhưng quá trình thu hút FDI vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế:

Một là, thu hút FDI chưa tương xứng tiềm năng. Bến Tre có nhiều lợi thế về vị trí địa lý như gần TP. Hồ Chí Minh và giao thông đi lại ở các tỉnh lân cận cũng đã được rút ngắn thông qua các công trình cầu đường đã xây dựng tích cực trong thời gian qua. Mặt khác, Bến Tre cũng là địa phương có lợi thế ve nông thủy sản, như dừa, cacao, thủy sản,… là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có và sự nỗ lực của các ngành chức năng, thu hút FDI vào tỉnh Bến Tre trong thời gian qua chưa thật sự tương xứng.

Hai là, nhiều dự án với máy móc thiết bị lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn các doanh nghiệp FDI Bến Tre có quy mô vừa và nhỏ, đầu tư phân tán để khai thác thế mạnh về nguyên liệu sẵn có của tỉnh là chính, nên ít quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là ở các doanh nghiệp chế biến dừa, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Rõ ràng là những hậu quả về môi trường sống khi phát triển nóng các khu công nghiệp, nếu không được xem xét kỹ lưỡng khi quyết định cấp phép đầu tư sẽ làm giảm tính bền vững của tăng trưởng kinh tế.

Ba là, nguồn lao động của tỉnh chưa thật sự đáp ứng yêu cầu. Tuy lực lượng lao động tham gia vào khu vực FDI ngày một tăng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông. Một số doanh nghiệp FDI của Bến Tre chủ yếu tận dụng nguồn lao động dồi dào với giá rẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên về may mặc và gia công. Lực lượng lao động làm việc ở các công đoạn gia công, lắp ráp không có cơ hội nâng cao kỹ năng, tay nghề và hầu như không học hỏi được gì nên giá trị gia tăng tạo ra cho sự đầu tư dưới hình thức này không cao.

Bốn là, các dự án FDI đầu tư không đồng đều trong tỉnh. Đa phần các dự án FDI đầu tư vào Bến tre đều lựa chọn nơi có môi trường sống và làm việc tốt với kết cấu hạ tầng hoàn thiện, chủ yếu tập trung đầu tư ở huyện Châu Thành, là nơi có điều kiện cơ sở vật chất và môi trường sống tương đối tốt. Điều này gây ra sự phát triển không đồng đều giữa các huyện trong tỉnh, đặc biệt là những huyện có điều kiện kinh tế khó khăn.

4. Một số giải pháp khuyến nghị

Trên cơ sở kết quả phân tích có thể rút ra một số giải pháp tỉnh Bến Tre cần tập trung để tăng cường thu hút FDI trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, chính quyền địa phương cần thực thi đầy đủ các chính sách của Trung ương kết hợp quan tâm triển khai chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn của địa phương để thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp. Trên cơ sở các chính sách theo qui định của Chính phủ, để thu hút các dự án FDI tiềm năng và theo định hướng quy hoạch của tỉnh, cần thiết phải có các chính sách thu hút riêng và tạo sự khác biệt. Trong đó, cần có chính sách quy hoạch phát triển cụ thể các vùng chuyên canh các sản phẩm chủ lực như dừa, ca cao, thủy hải sản,… nhằm đảm bảo tập trung về số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu tiềm năng các doanh nghiệp.

Thứ hai, môi trường sống không bị ô nhiễm với hệ thống y tế tốt là các yếu tố được các nhà đầu tư rất quan tâm. Chính vì vậy, muốn cải thiện môi trường sống góp phần thu hút các nhà đầu tư FDI, Bến Tre cần kiên quyết không cấp phép cho những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái, tập trung nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe, cải thiện hệ thống vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị và đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực đầu tư nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung.

Thứ ba, nguồn lao động phổ thông dồi dào được đào tạo nghề nghiệp cơ bản là yếu tố quan trọng trong thu hút FDI. Trong khi đa số các doanh nghiệp FDI của tỉnh Bến Tre có nhu cầu lao động lớn, đặc biệt là các dự án về may mặc, lắp ráp,… và số dự án mang tính chất công nghệ tiên tiến sử dụng nhiều lao động có tay nghề kỹ thuật cao có xu hướng gia tăng. Vì vậy, tỉnh cần tập trung nâng cấp trường Cao đẳng Bến tre thành trường đại học, phát triển các cơ sở đào tạo đa nghề, đa cấp, nhằm đảm bảo cung cấp nguồn lao động phổ thông qua đào tạo nghề cơ bản và đào tạo nguồn lao động kỹ thuật cao, quản lý tốt đáp ứng đa dạng về các ngành nghề cho doanh nghiệp.

Thứ tư, hệ thống giao thông, cầu, cảng, điện, nước, thông tin liên lạc, ngân hàng,… đều có ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư, bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, hoàn thiện hạ tầng cơ sở và từng bước nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, đặc biệt các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và cơ sở hạ tầng yếu kém là yếu tố quan trọng cần được tỉnh Bến Tre quan tâm trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp tin tưởng, yên tâm hơn trong sản xuất kinh doanh từ đó dễ dàng giới thiệu Bến Tre với các doanh nghiệp FDI tiềm năng khác.

5. Kết luận

FDI đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: bổ sung nguồn vốn cho đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách... Để tăng cường thu hút FDI, tỉnh Bến Tre cần phải tích cực hơn trong việc cải thiện cơ chế chính sách đầu tư, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện thông suốt. Đồng thời, quan tâm phát triển nguồn nhân lực theo hướng nâng cao chất lượng và số lượng các trường dạy nghề, cũng như thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo để có thể đáp ứng tốt yêu cầu của các doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bến Tre (2013). “Đề án thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Bến Tre”.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013). Kỷ yếu Hội nghị 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

3. Cục Thống kê tỉnh Bến Tre (2016). Niên giám Thống kê Bến Tre 2015.

4. Fawaz, B. (2009), Factor affecting foreign direct investment location in the petrochemicals industry, the case of Saudi Arabia, Bs doctoral symposium.

5. Nguyễn Mạnh Toàn (2010), “Các nhân tố tác động đến việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một địa phương của Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Đà Nẵng.

6. Phùng Xuân Nhạ (2007). “Các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam - Chính sách và thực tiễn”. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Phan Văn Tâm (2011), “Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ, Hà Nội.

8. Tổng cục Thống kê Việt Nam (2016). Niên giám thống kê 2015.

MEASURES TO ATTRACT FOREIGN DIRECT

INVESTMENT INTO BEN TRE PROVINCE

· Ph.D. HUYNH THANH NHA

Can Tho Technical Economic College

ABSTRACT:

This study used descriptive and comparative statistics methods to analyze the situation of foreign direct investment (FDI) into Ben Tre province. The expert methods were also used in the study to assess the achievements and limitations of attracting FDI into the province. Based on the results, the study proposed groups of solutions relating to policy mechanisms, living and working environment, employment and training, and infrastructure to attract more FDI into Ben Tre province.

Keywords: Enterprise, foreign direct investment, Ben Tre province.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 01 tháng 01/2017 tại đây