I. Mục tiêu
Trọng tâm phát triển mạng lưới giao thông:
- Đối các tuyến đường bộ, đường sắt nối liền các trung tâm kinh tế thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh phụ cận bao gồm: Hoàn thành nâng cấp các tuyến QL5, QL10, QL18, QL12B, QL21, QL21B bao gồm cả các cầu lớn; Xây dựng mới các đường bộ cao tốc: Hà Nội – Hải Phòng (100 km), Nội Bài – Hạ Long (145 km), Hạ Long – Mông Dương – Móng Cái (175 km), Hà Nội – Việt Trì (78 km), Hà Nội – Thái Nguyên (70 km), Láng – Hòa Lạc – Trung Hà (70km), Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình (160 km), Vành đai III Hà Nội (78km), Vành đai IV Hà Nội (125 km); Xây dựng đường sắt đôi, điện khí hoá đường sắt Hà Nội – Hải Phòng; Nâng cấp, xây dựng đường sắt Kép - Hạ Long – Cái Lân và xây dựng mới đoạn Yên Viên - Phả Lại.
1. Hành lang Hà Nội – Hải Phòng
Trên hành lang Hà Nội – Hải Phòng, hàng hoá được vận chuyển bằng đường bộ (QL5, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng), đường sắt (Hà Nội – Hải Phòng), đường sông (tuyến Hải Phòng – Hà Nội qua sông Luộc): Năm 2010, đường bộ đảm nhận 68%, đường sắt 15%, đường sông 17%; năm 2020, đường bộ 60%, đường sắt 18% và đường sông 22%. Vận tải hành khách bằng đường bộ và đường sắt: Năm 2010, đường bộ đảm nhận 84%, đường sắt 16%; năm 2020, đường bộ 64%, đường sắt 36%.
2. Hành lang Hà Nội – Quảng Ninh:
Trên hành lang Hà Nội – Quảng Ninh, hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ (QL 18, đường cao tốc Hà Nội – Hạ Long), đường sắt (Kép – Hạ Long và Yên Viên – Phả Lại), đường sông (tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh qua sông Đuống): Năm 2010, đường bộ đảm nhận 39%, đường sắt 13%, đường sông 48%; năm 2020, đường bộ 55%, đường sắt 20% và đường sông 25%. Vận tải hành khách chủ yếu bằng đường bộ và đường sắt: Năm 2010, đường bộ đảm nhận 95%, đường sắt 5%; năm 2020, đường bộ 62%, đường sắt 38%.
3. Hành lang Quảng Ninh – Hải Phòng – Nam Định – Ninh Bình:
Vận tải trên hành lang Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình sử dụng phương thức vận tải đường bộ (QL10), đường sắt ( Nam Định – Ninh Bình), đường sông (tuyến Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình qua sông Luộc). Vân tải hàng hoá chủ yếu do đường bộ và đường sông đảm nhận: Năm 2010, đường bộ đảm nhận 57%, đường sắt 10%, đường sông 33%; năm 2020, đường bộ 52%, đường sắt 12% và đường sông 36%. Vận tải hành khách chủ yếu đi bằng đường bộ: Năm 2010, đường bộ đảm nhận 81%, đường sắt 19%; năm 2020, đường bộ 78%, đường sắt 21%, đường sông1%.
4. Hành lang Hà Nội – Lạng Sơn:
Hành lang Hà Nội – Lạng Sơn chỉ có vận tải đường bộ (QL1A, cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn) và đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn. Tuy nhiên, vận tải đường bộ chiếm ưu thế tuyệt đối về cả vận chuyển hàng hoá và hành khách. Vận tải hàng hoá: Năm 2010, đường bộ đảm nhận 76%, đường sắt 24%, năm 2020, đường bộ 76%, đường sắt 24%. Vận tải hành khách năm 2010 đường bộ đảm nhận 90%, đường sắt 10%, năm 2020, đường bộ 85%, đường sắt 15%.
II. Giải pháp
Để tận dụng được các lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, giảm giá thành vận tải, tiết kiệm chi phí xã hội, đáp ứng được nhu cầu vận tải của xã hội, hội nhập với quốc tế, chiến lược phát triển vận tải tập trung giải quyết các vấn đề sau:
1. Tổ chức luồng hàng, luồng khách hợp lý trên mạng lưới:
Việc tổ chức luồng hàng, luồng khách hợp lý trên mạng lưới được thực hiện trên nguyên tắc sau:
- Trên các hành lang có nhiều phương thức vận tải sẽ chuyển dần khối lượng hàng hóa, hành khách từ vận tải đường bộ sang phương thức vận tải đường sắt, đường sông, đường biển, đặc biệt là hàng hóa khối lượng lớn, cự ly vận chuyển xa.
- Sử dụng tối đa tiềm năng lợi thế đường thuỷ để giảm chi phí đầu tư, giá thành vận tải và tác động môi trường.
- Vận tải hàng hóa đường dài và vận chuyển container chủ yếu do đường biển đảm nhận, vận tải hành khách đường dài chủ yếu do đường sắt và hàng không đảm nhận. Vận tải đường bộ chỉ vận tải trên các cung đoạn ngắn và vận tải nội tỉnh.
- Đối với vận tải quốc tế, phát triển vận tải đường biển để tăng tỷ lệ đảm nhận khối lượng vận chuyển hàng hoá xuất, nhập khẩu; Mở mới các tuyến bay quốc tế tầm trung và xa, tăng tỷ lệ đảm nhận vận chuyển hành khách quốc tế đi/ đến Việt Nam. Cải thiện thủ tục quá cảnh, xuất nhập cảnh biên giới, tạo điều kiện thuận lợi phát triển vận tải quá cảnh bằng đường bộ, đường sắt và đường sông với các nước láng giềng.
2. Sử dụng phương tiện vận tải hợp lý trên các tuyến vận tải
- Sử dụng hợp lý phương tiện vận tải trên từng tuyến nhằm tiết kiệm chi phí khai thác, giảm chi phí đầu tư phương tiện vận tải. Phương tiện sử dụng phải phù hợp với tính chất, đặc trưng của hàng hóa vận chuyển, cự ly vận chuyển, điều kiện cơ sở hạ tầng – giao thông.
3. Sử dụng công nghệ xếp dỡ và trung chuyển hàng hoá hợp lý
- Tăng dần mức độ cơ giới hoá xếp dỡ tại các ga đường sắt, các bến bãi ô tô để đến năm 2020 không còn xếp dỡ thủ công; Đổi mới công nghệ xếp dỡ với máy móc hiện đại, năng suất cao tại các đầu mối giao thông, tại cảng biển, cảng sông; Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng - giao thông và công nghệ xếp dỡ giữa các phương thức vận tải trong khu vực đầu mối xếp dỡ hàng hoá lớn.
4. Phát triển mạnh vận tải đa phương thức
- Trên các tuyến có nhu cầu phát triển vận tải đa phương thức, cần đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải, công nghệ xếp dỡ của các phương thức vận tải. Hoàn thiện, bổ xung luật lệ, thể chế vận tải đa phương thức phù hợp với thông lệ quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, hàng hoá vận chuyển đa phương thức đạt 50 – 60% khối lượng vận tải nói chung.
5. Tăng nhanh tốc độ đưa hàng
- Đổi mới, sử dụng các phương tiện vận chuyển hàng hóa có chất lượng cao; áp dụng các phương tiện xếp dỡ, trung chuyển hàng hoá tiên tiến có năng suất cao, thời gian xếp dỡ trung chuyển nhanh; Tổ chức vận tải hợp lý; Cải tiến các thủ tục giao nhận hàng hoá nhanh gọn.
6. Giảm giá thành vận tải
- Giảm giá thành vận tải hàng hoá và hành khách thông qua tổ chức hợp lý vận tải giữa các phương thức vận tải, áp dụng công nghệ xếp dỡ, trung chuyển hàng hoá tiên tiến, hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông.
7. Nâng cao chất lượng dịch vụ
- Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải trên cơ sở tiến hành cổ phần hoá các khâu dịch vụ; Cải tiến hình thức dịch vụ phù hợp với hội nhập quốc tế; Phát triển các trung tâm dịch vụ hoàn chỉnh, trọn gói trong vận tải (đại lý giao nhận hàng hoá…)
8. Giảm thiểu tai nạn giao thông
- Triển khai đồng bộ các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông từ khâu thiết kế, xây dựng công trình cơ sở hạ tầng – giao thông, nghiên cứu tổ chức quản lý giao thông hợp lý đến công tác cấp phép sử dụng phương tiện vận tải, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo đội ngũ lái tàu, lái xe với chế độ sát hạch nghiêm ngặt; Tuyên truyền giáo dục và nâng cao dân trí về hiểu biết luật giao thông; Ban hành luật lệ thể chế hoàn chỉnh và các chế tài xử phạt nghiêm minh.
Nguồn: Chiến lược giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020.