Hàng không Việt giữa đại dịch Covid-19
Trước những diễn biến phức tạp và sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Covid-19 gây ra tại Trung Quốc, nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam đã trực tiếp bị ảnh hưởng, trong đó phải kể đến hàng không.
Cụ thể, một số hãng hàng không đang phải tạm ngừng khai thác các chuyến bay tới Trung Quốc - thị trường chiếm 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế của hàng không Việt nói chung.
Được biết, trước khi xuất hiện dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra, các hãng hàng không của Việt Nam đang khai thác hơn 90 đường bay thường lệ và thuê chuyến (charter flight) đến 54 điểm tại Trung Quốc. Sau khi Cục Hàng không ra thông báo hủy toàn bộ phép bay đã cấp và tạm dừng cấp phép các chuyến bay mới tới Trung Quốc đại lục, các hãng này đã phải tạm dừng khai thác nhiều đường bay để phục vụ công tác phòng dịch.
“Theo báo cáo sơ bộ của các hãng hàng không, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay đến Trung Quốc là hơn 10.000 tỉ đồng” - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết.
Trong bối cảnh này, dễ thấy những hàng hàng không bị ảnh hưởng giới hạn hơn và linh hoạt hơn đối với việc xoay chiều chiến lược khai thác là những hãng hàng không ít phụ thuộc vào nguồn khách Trung Quốc, ví dụ như Bamboo Airways. Hiện hãng chưa khai thác đường bay quốc tế tới Trung Quốc đại lục. Các đường bay thường lệ tới Đài Loan, cùng một số chuyến charter tới Macao, Đài Loan không nằm trong diện chỉ định tạm dừng bay của Cục Hàng không. Và quan trọng hơn cả, hãng hàng không tân binh này có một chiến lược mở rộng đường bay quốc tế khá rõ ràng và độc đáo.
Trên thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra như hiện nay, không chỉ doanh thu mà chiến lược đua mở đường bay tới khu vực Đông Bắc Á của một số hãng hàng không nội địa gặp phải nhiều khó khăn. Bamboo Airways lại cho thấy kế hoạch phát triển mạng lưới 25 đường bay quốc tế trong năm 2020 của Hãng không bị ảnh hưởng nhiều bởi các thị trường nguồn mà hãng hàng không này tuyên bố sẽ tập trung khai thác trong thời gian tới là Đông Á (gồm các nước như Nhật Bản, Đài Loan...) và các nước châu Âu, châu Đại Dương (Séc, Đức, Úc...)
Trong tháng 2/2020, Bamboo Airways đã chính thức mở bán vé nhiều đường bay quốc tế như Việt Nam – Séc, Hà Nội – Incheon (Hàn Quốc), Hà Nội - Cao Hùng (Đài Loan - Trung Quốc), kỳ vọng chinh phục những thị trường hoặc được cho là sở hữu nguồn khách lớn khu vực, hoặc là mang tiềm năng hứa hẹn nhưng chưa được khai thác triệt để thông qua một đường bay thẳng.
Quay về bức tranh thị trường nội địa, Bamboo Airways cũng cho thấy kế hoạch phát triển mạng lưới đường bay lên 60 đường bay trong năm 2020 cũng không bị đình trệ. Hãng hàng không này đã và đang ráo riết mở mới hàng loạt đường bay như TP HCM – Buôn Ma Thuột, TP HCM – Phú Quốc, TP HCM - Chu Lai, Hà Nội – Pleiku, Hà Nội – Tuy Hòa, Hải Phòng – Buôn Ma Thuột, Vinh – Nha Trang...
Hãng cũng tiến hành tăng chuyến ở nhiều đường bay trọng điểm có nhu cầu lớn, điển hình là đường bay trục Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Bamboo Airways đã ra thông báo từ ngày 15/2, hãng tăng số lượng chuyến bay lên 36 chuyến bay/ngày, trong tất cả các khung giờ từ 0:05 đến 23:50 để phục vụ hành khách trên trục bay vàng nhộn nhịp này.
Thấy “cơ” trong “nguy”
Chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên từ 1/2019, Bamboo Airways đã cho thấy những kết quả tăng trưởng gây chú ý. Tính đến cuối năm 2019, Bamboo Airways đã vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách trên gần 20.000 chuyến bay, tất cả đều an toàn tuyệt đối và dẫn đầu toàn ngành hàng không nội địa về tỉ lệ đúng giờ trung bình.
Chỉ tính riêng trong tháng 12/2019 Bamboo Airways đã nắm giữ 12,3% thị phần hàng không theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, đồng thời công bố mức lãi trước thuế đạt 303 tỉ đồng. Đến giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2020, hãng đã cung ứng gần 15% tải hàng không nội địa, cho thấy sự bứt phá rõ rệt trên đường đua dành thị phần.
Đội bay của Bamboo Airways cũng nhanh chóng được mở rộng quy mô để tương xứng với nhu cầu khai thác. Từ con số 6 máy bay khi bắt đầu khai thác, Bamboo Airways hiện đang vận hành đội hình 28 máy bay, trong đó có tới 3 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner và là hãng hàng không tư nhân Việt Nam đầu tiên khai thác dòng máy bay thân rộng.
Bamboo Airways cho biết đội bay của Hãng sẽ được nâng lên 30 tàu ngay trong quý I/2020 và dự kiến vươn tới mục tiêu 50 tàu vào cuối năm nay với sự góp mặt của 12 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner. Xa hơn, đến năm 2025, Bamboo Airways dự kiến khai thác 100 tàu bay. Nhiều ý kiến cho rằng đây là quy mô đội bay tham vọng so với tuổi đời của Bamboo Airways, tuy nhiên nếu đặt trong so sánh, so với hơn 2 triệu lượt khách phục vụ trong năm đầu hoạt động, để đạt mục tiêu phục vụ trên 50 triệu lượt khách trong 2025 mà đơn vị này tuyên bố, thì con số 100 tàu bay đề ra là có cơ sở, thậm chí có thể xem là điều kiện cần tiên quyết để thực hiện mục tiêu kinh doanh. Do đó, rõ ràng là giữa “tâm bão” dịch bệnh, Bamboo Airways vẫn cần gấp rút tăng quy mô độ bay để đáp ứng nhu cầu khai thác và giữ vững tốc độ phát triển.
"Dù là qui định của luật hay thể chế nào, nhà đầu tư tham gia kinh doanh càng có hiệu quả thì càng phải được cấp phép. Bamboo Airways muốn xin phép nâng đội tàu bay lên 50 chiếc. Cho dù Bamboo Airways muốn nâng lên 100 hay 200 tàu bay, mà chúng tôi làm tốt thế này, thì nhà nước nào cũng phải cấp phép chứ không riêng gì Nhà nước mình", ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Bamboo Airways khẳng định niềm tin vào chủ trương kiến tạo của Chính phủ.
Ông Trịnh Văn Quyết cũng nhấn mạnh nhà nước đang khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, không lí do gì không cấp phép cho Bamboo Airways.
Trước đó, vào tháng 9/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã cấp phép cho Bamboo Airways tăng vốn điều lệ và nâng quy mô đội bay từ 10 lên 30 chiếc.
Có thể thấy, với tốc độ phát triển ổn định, kế hoạch phát triển mạng lưới đường bay kết nối vùng và kết nối châu lục rõ ràng cùng chất lượng dịch vụ được đánh giá là đã phần nào nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ chung của hàng không nội địa, việc tăng quy mô đội tàu sẽ là yếu tố quan trọng bậc nhất cho phép Bamboo Airways chứng minh vai trò "hãng hàng không đáng chú ý nhất năm 2020" như nhận định của truyền thông quốc tế.