GSP sửa đổi của EU có hiệu lực: Doanh nghiệp cần biết cách tận dụng cơ hội

Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức công bố Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) sửa đổi và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.

Theo đó, Việt Nam được hưởng chế độ GSP đối với tất cả các mặt hàng, kể cả những mặt hàng trước đã bị xếp vào nhóm hàng đã “trưởng thành” (ngưỡng quy định về thị phần hàng hóa tại thị trường châu Âu của một quốc gia) như giày dép, mũ nón, ô dù. Tuy nhiên, hệ thống GSP của EU đối với Việt Nam dự kiến sẽ chấm dứt khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU kết thúc đàm phán và bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2016.

Từ năm 1971, EU đã xây dựng các quy tắc để giúp hàng hóa xuất khẩu từ các nước đang phát triển được hưởng những ưu đãi về thuế khi họ xuất hàng sang thị trường EU. Điều này cho phép các nước đang phát triển có cơ hội tiếp cận thị trường EU và góp phần vào sự tăng trưởng nền kinh tế của họ. Đề án này được gọi là “Hệ thống ưu đãi thuế quan (GSP)”.


Thị phần hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU sẽ tăng mạnh

Tại Hội thảo “Quy chế GSP mới của EU: Cơ hội tăng cường xuất nhập khẩu vào thị trường châu Âu” tổ chức ngày 25/02/2014, ông Trần Ngọc Quân – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu ước lượng thị phần hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam theo quy chế mới như sau:

Nhóm chắc chắn đạt ngưỡng trưởng thành:

Cà phê, chè, gia vị: nếu áp dụng GSP mới, thị phần của cà phê Việt Nam sẽ tăng từ 12,11% hiện tại lên tới 21,68% - vượt ngưỡng trưởng thành.

Thủy sản: thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU có thể tăng từ 9,9% lên 19% - vượt ngưỡng trưởng thành.

Giày dép của Việt Nam vừa được EU cho hưởng lại GSP nhưng sau khi Trung Quốc không được hưởng GSP, thị phần nhóm hàng này đạt 34% - vượt ngưỡng trưởng thành.

Nhóm mặt hàng có nguy cơ chạm ngưỡng trưởng thành hoặc bị tự vệ:

Nhựa: Thị phần xuất khẩu nhựa vào EU có thể tăng từ 5,72% lên 16,04% và có nguy cơ chạm ngưỡng trưởng thành 17,5%.

Quần áo và hàng may mặc: thị phần có thể tăng từ 7,46% lên 10,5%. Tuy nhiên mức tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EU năm 2011 là 19%, nghĩa là có khả năng rơi vào ngưỡng tự vệ trong GSP.

Nhóm hàng có khả năng hưởng ưu đãi ổn định:

Gỗ và than từ gỗ: thị phần có thể tăng từ 1,39% lên 3,92%

Nguyên liệu dệt: thị phần có thể tăng từ 2,43% lên 3,89%

Hàng điện tử (kể cả điện thoại): thị phần có thể lên 3,38%.

Ông Quân cũng đánh giá : “Mặc dù tiêu chí trưởng thành của EU nâng từ 15% lên 17,5% đối với các nhóm hàng hóa (trừ dệt may nâng từ 12,5% lên 14,5%) nhưng do rất nhiều nước đang phát triển có trình độ cao hơn Việt Nam không được hưởng ưu đãi từ GSP nữa nên thị phần hàng nhập từ Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều trong tổng nhập khẩu được hưởng GSP của EU và rất dễ đạt tới ngưỡng trưởng thành và không được hưởng ưu đãi nữa”.

Doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất tăng năng suất lao động

GSP đem lại cho DN Việt Nam rất nhiều thuận lợi. Hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam sẽ có những ưu đãi về thuế khi nhập khẩu vào các nước có chế độ GSP trên cơ sở đơn phương (không đòi hỏi có đi, có lại). Tức là họ tao điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam nhập vào thị trường của họ mà không đòi hỏi yêu cầu ngược lại.

Tuy nhiên, ông Claudio Dordi (thuộc EU-MUTRAP – Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu) nhấn mạnh sự khác biệt này của GSP với FTA khi FTA là một hiệp định được ký kết giữa 2 bên, quy định quyền lợi và nghĩa vụ của cả 2 bên liên quan. Theo đó, GSP là cách mà EU giúp đỡ cho những nước đang phát triển như Việt Nam tăng trưởng kinh tế.

Việc có ưu đãi thuế quan trên thị trường châu Âu cũng tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt khi đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc đang bị áp thuế MFN (hơn GSP trung bình 3%). Thay vì đặt các đơn hàng ở Trung Quốc, các khách hàng sẽ lựa chọn Việt Nam để đặt hàng vì họ sẽ được giả thuế nhập khẩu khi các DN Việt Nam xuất hàng sang châu Âu.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh do GSP đem lại không mang tính bền vững vì việc đáp ứng được các quy tắc của GSP và thời hạn có hiệu lực của GSP không phải là mãi mãi. Lợi thế cạnh tranh do GSP mang lại là lợi thế ngoại sinh, không phải là nội sinh.

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại nhận định, “GSP làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, không tạo sức ép để tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng và do đó không tạo ra sự cân bằng động trong xuất khẩu”.

Theo ông, xuất khẩu có thể tăng nhờ GSP nhưng nhập khẩu cũng tăng do sức cạnh tranh về năng suất lao động, chất lượng và giá thành trong sản xuất vẫn thấp. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia vào nhiều hiệp định mậu dịch tự do song phương và khu vực, mức thuế nhập khẩu trong các hiệp định này sẽ giảm xuống sau một thời gian (thường là 10 năm) thì ý nghĩa của GSP cũng sẽ giảm dần và triệt tiêu.

Vì vậy, cùng với việc tranh thủ tận dụng chế độ GSP, cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh: “đây là con đường cơ bản nhất để tăng năng lực xuất khẩu bền vững”.