Ngày 10/5 vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh đấu giá Việt Nam tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 06 thửa đất thuộc khu Gạc Chợ, xã Tam Hiệp.
Các thửa đất có diện tích từ hơn 77 đến khoảng 153 m2. Trong đó, lô 77,2 m2 và 88,3 m2 có giá khởi điểm cao nhất, từ 75,4 triệu đồng một m2, tương đương từ 5,8 tỷ và 6,6 tỷ mỗi lô. 04 lô còn lại diện tích hơn 100 m2 có đơn giá khởi điểm thấp hơn từ 66,7 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, buổi đấu giá chỉ có 3 khách hàng đăng ký tham gia. Trong đó, một người trúng lô đất với giá 66,9 triệu đồng/m2. Như vậy, sau buổi đấu giá, vẫn còn có 05 thửa đất chưa được đấu giá thành công.
Đây được xem là diễn biến khá lạ khi mới vào ngày 15/4, tại buổi đấu giá 34 lô đất ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội), có 150 khách hàng đăng ký với 242 hồ sơ tham gia, tương đương tỷ lệ quan tâm gấp khoảng 7 số lượng thửa đất được bán.
Nhờ vậy, toàn bộ 34 lô đất đã được đấu giá thành công. Trong đó, lô trúng đấu giá cao nhất với 74,1 triệu đồng/m2, tăng 21 triệu so với giá khởi điểm.
Trước đó, vào cuối tháng 3, 33 thửa đất tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh cũng đều được đấu giá thành công, trong đó có lô cao gấp đôi giá khởi điểm với hơn 60 triệu đồng/m2. Cùng thời điểm, huyện Mê Minh cũng đấu giá thành công 30 lô đất, trong đó, có lô đạt hơn 50 triệu đồng/m2, cao gần gấp đôi giá khởi điểm.
Thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ cho thấy, tổng diện tích đã thực hiện đấu giá thành công từ đầu năm 2024 trên địa bàn huyện là hơn 19.500 m2, tổng số tiền trúng đấu giá trong 9 phiên đấu giá vừa qua là hơn 379 tỉ đồng.
Cảnh đìu hiu, "ế khách" tại phiên đấu giá của huyện Phúc Thọ lần này khiến nhiều người tỏ ra bất ngờ. Chỉ trong chưa đầy một tháng, số lượng nhà đầu tư quan tâm đất ven đô sụt giảm nhanh chóng. Việc này trái ngược với cảnh nhà đầu tư đổ xô đến tham gia các phiên đấu giá đất ở các huyện ven thủ đô thời gian qua. Trước đó, tại các phiên đấu giá ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai...đều thu hút đông đảo khách hàng tham gia. Những cuộc đấu giá này diễn ra khá sôi động và giao dịch thành công nhiều lô đất giá trị.
Không chỉ thị trường đất nền trầm lắng, thị trường chung cư cũng gặp phải tình trạng tương tự khi cung không gặp cầu, chung cư sẽ không còn tình trạng thổi giá như trước đây.
Sắp tới, một số huyện sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá đất. Giữa tháng này, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đấu giá 34 lô đất, dự thu tối thiểu 73,1 tỷ đồng, tương đương bình quân khởi điểm gần 2,15 tỷ một lô.
Xem thêm: Giá nhà trong ngõ tại Hà Nội đạt trung bình 170 triệu đồng/m2
Đại diện một trung tâm phát triển quỹ đất ở Hà Nội cho rằng, việc siết quy định trong đấu giá đất như yêu cầu đặt tiền cọc cao và thị trường bất động sản trầm lắng đã loại đi được nhiều đối tượng tham gia "lướt sóng" kiếm lời.
Số lượng người tham gia đấu giá hiện nay ít, chủ yếu là người địa phương, có nhu cầu ở thực. Giá trúng đấu giá cũng sát với giá sàn, không "thổi" cao như trước. Tuy nhiên, khách hàng cũng thừa nhận nguyên nhân lớn nhất khiến các cuộc đấu giá vắng khách là do giá khởi điểm đang ở mức cao. Bởi, trong hai năm trước, giá đất đẩy lên cao, tạo mặt bằng giá mới.
Các chuyên gia bất động sản nhận định, thị trường đất nền sẽ có nhiều thay đổi sau khi Luật đất đai 2024 có hiệu lực, giá đất sẽ tăng trong dài hạn, có cơ hội thanh khoản tốt. Giá bất động sản sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tại địa phương đó có cơ sở hạ tầng khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập người dân, các khu công nghiệp, chợ dân sinh,… Những điều này sẽ là động lực tăng giá bền vững cho phân khúc đất nền trong thời gian tới.