Hà Nội: Phấn đấu 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm được công nhận thành quận cuối năm 2024

Sáng 7/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.

Các huyện Đông Anh, Gia Lâm đã đủ điều kiện lên quận

Báo cáo về kết quả thực hiện Đề án của 5 huyện trong 6 tháng đầu năm 2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện nay, hai huyện đang phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng xem xét, công nhận các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập quận, phường, làm cơ sở hoàn thiện Đề án trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận.

ubnd1
Quang cảnh cuộc họp

 

Đối với huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng, về nhóm tiêu chuẩn “Diện tích tự nhiên” và “Quy mô dân số”, cả ba huyện đều đạt tiêu chí thành lập quận; tuy nhiên, tiêu chí thành lập phường cả 3 huyện đều chưa đạt. Nhóm tiêu chuẩn “Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội” và “Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị”, cả ba huyện đều chưa đạt 100% tiêu chí thành lập phường, thành lập quận.

Thảo luận tại cuộc họp, trước những khó khăn, vướng mắc, đề xuất của các địa phương về các tiêu chí cụ thể, đại diện các sở, ngành và thành viên trong Ban Chỉ đạo đã trực tiếp trao đổi bổ sung giải pháp để hoàn thành các tiêu chí và những vấn đề liên quan đến quy hoạch, cân đối thu chi ngân sách…Trong đó xác định việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao đời sống nhân dân là vấn đề quan trọng nhất cần hướng đến; đồng thời việc phát triển huyện thành quận trong giai đoạn hiện nay cần bám sát các quy định của Luật Thủ đô năm 2024, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Tại cuộc họp, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, thành phố đã tạo nhiều cơ chế, chính sách đầy đủ để các huyện có cơ hội hoàn thiện các bộ tiêu chí huyện thành quận, đồng thời quyết tâm đưa 5 huyện hoàn thành chương trình nông thôn mới nâng cao bằng những chính sách cụ thể. Đối với vấn đề chỉ tiêu cân đối thu - chi ngân sách tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các huyện đẩy nhanh tiến độ đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu tự cân đối ngân sách cấp huyện; đối với cân đối ngân sách cấp xã, thành phố sẽ báo cáo Bộ Tài chính về việc khi thực hiện chính quyền đô thị, cấp phường chỉ là cấp dự toán.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, quan điểm của Thành phố triển khai xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận nhằm thay đổi một cách thực chất về cơ sở vật chất, đời sống người dân được thụ hưởng ở tất cả các mặt. “Đây là cơ hội rất tốt cho Hà Nội nhằm thay đổi về tư duy, về triết lý phát triển đô thị, phát triển Thủ đô”.

ubnd
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kết luận phiên họp

 

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu, phấn đấu ít nhất đến cuối năm 2024 huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm được công nhận thành quận; năm 2025 thành phố tập trung đưa huyện Thanh Trì và huyện Hoài Đức thành quận. Để đạt được mục tiêu này, đồng chí Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ngành Thành phố với vai trò đầu mối cơ quan chuyên môn của các Bộ, cơ quan trung ương để chủ động phối hợp giải quyết những khó khăn, tạo điều kiện cho các huyện hoàn thành các tiêu chí và thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo.

Loạt dự án hạ tầng bổ trợ cho tiến trình lên quận của huyện Đông Anh và Gia Lâm

Tại Đông Anh, dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cấp khu vực (NC-1) phía bắc thôn Cán Khê đi thôn Tiên Hùng đến đường gom đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên cũng vừa được lập báo cáo. Tuyến đường có tổng chiều dài 2,2 km, nằm trên địa bàn xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh; được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 7/2022. Điểm đầu tuyến giao với đường quy hoạch tại phía bắc thôn Cán Khê; điểm cuối giao với đường gom đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư của dự án là 245 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2025 đi vào hoạt động.

huyen dong anh

 

Để bổ trợ cho tiến trình lên quận, bên cạnh dự án trên, huyện Đông Anh đã triển khai nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn khác như: xây dựng tuyến đường từ Hoàng Sa đến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (dài 3,7 km; 1.239 tỷ đồng); Tuyến đường LK50, đoạn từ quốc lộ 3 cũ đến đường Thư Lâm (dài 5,9 km; quy mô 1.303 tỷ đồng); Tuyến đường LK54 kết khu tái định cư cầu Nhật Tân đến đường LK53 (dài 3,8 km; tổng 1.204 tỷ đồng); Đường LK51 đoạn từ quốc lộ 3 mới đến đường Uy Nỗ (dài 5,7 km; 1.168 tỷ đồng).
Đáng chú ý, giai đoạn 2023 - 2028, Đông Anh sẽ thực hiện xây dựng tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn huyện dài 14,9 km, với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Điểm đầu nằm tại nút giao cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, điểm cuối giao với đường Võ Văn Kiệt. Tuyến đường đi qua địa bàn 9 xã thuộc Đông Anh, bao gồm: Liên Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, Thị trấn Đông Anh, Tiên Dương, Vân Nội, Nguyên Khê, Bắc Hồng và Nam Hồng.

Tại Gia Lâm, theo bản đồ quy hoạch giai đoạn 2021-2030, huyện có gần 200 dự án hạ tầng đang và sẽ được đầu tư, trong đó có nhiều các công trình giao thông trọng điểm kết nối nội bộ và khu vực lân cận.

Dự kiến huyện sẽ có tất cả 9 cây cầu vượt sông Hồng và sông Đuống. Mới đây, cầu Vĩnh Tuy 2 có chiều dài 3,5km, rộng gần 20m, với 4 làn xe vừa đi vào hoạt động, góp phần kết nối với đường Vành đai 2 trên cao, tạo ra trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông bắc thành phố.

Ngoài ra, còn có các cây cầu lớn khác bắc qua sông Hồng như: Cầu Ngọc Hồi (chạy qua sông Hồng đến xã Văn Đức, Gia Lâm) và cầu Mễ Sở (địa bàn xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên)...

Nhiều công trình hạ tầng giao thông tại Gia Lâm đã hoàn thiện như: Nút giao Cổ Linh, đường Lý Thánh Tông, đường song hành và đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… mở ra nhiều trục giao thông xuyên suốt khu vực phía Đông với các quận huyện, tỉnh, thành lân cận.

Dự kiến giai đoạn 2020-2050, sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi (Hoàng Mai) - Yên Viên - Như Quỳnh và số 8 Sơn Động (Hoài Đức) - Mai Dịch - Dương Xá đi qua địa phận huyện Gia Lâm.

Ở khu hữu ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có 4 tuyến đường lớn song song với nhau, gồm: Đường đê Long Biên – Xuân Quan, đường 39B (Hà Nội – Hưng Yên), Quốc lộ 17, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5 (cũ) kết nối với Hưng Yên, hải Phòng.

Ở phía tả ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có đường quốc lộ 1 (cũ), cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Từ những trục đường lớn này, Gia Lâm đang tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khớp nối với tuyến đường liên xã, liên thôn.

Trong tương lai, sẽ có nhiều tuyến đường sẽ mở qua Gia Lâm như Vành đai 3.5, loạt tuyến đường liên xã Cổ Bi, Đông Dư, Bát Tràng, đường gom Quốc lộ 3 trị giá 135 tỷ đồng, đường 179 dọc đê Phù Đổng gần 180 tỷ đồng,… Hai tuyến metro kết hợp với các tuyến đường trọng điểm, các cây cầu sắp xây cũng sẽ giúp việc lưu thông giữa Gia Lâm với nội đô và các địa phương lân cận trở nên thuận tiện hơn.

Phan Nho