Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội, tháng 5/2022 là thời điểm trùng với SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực, chủ động trong điều hành, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên, và phối hợp tốt giữa các lực lượng trên địa bàn Thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh, buôn bán tại các tuyến phố du lịch, tuyến phố chuyên doanh, đặc biệt tại gần các khu vực tổ chức thi đấu, khu vực khách sạn, dịch vụ lưu trú, phục vụ công tác tổ chức đại hội… nhằm góp phần ổn định thị trường Thành phố, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng, đạt được nhiều kết quả khả quan.
Tuy nhiên bên cạnh đó, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về nhãn, niêm yết giá bán hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm, hai đoàn kiểm tra liên ngành ATTP và các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã phát hiện và xử lý một số vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm.
Điển hình, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với Phòng cảnh sát môi trường – Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hàng trăm thùng kẹo không hóa đơn chứng từ, đang được sang bao, đóng gói thành kẹo có xuất xứ Nhật Bản cùng với máy móc được sử dụng trong hoạt động sang bao đóng gói.
Cụ thể, trong tháng 5/2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã kiểm tra 1.939 vụ; xử lý 1.636 vụ. Khởi tố 11 vụ đối với 13 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu: 211 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ: 50 vụ, gian lận thương mại 1.375 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước 202 tỷ 880 triệu đồng. Phạt hành chính 70 tỷ 104 triệu đồng, truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra (gồm Công an, Hải quan, Thuế)132 tỷ 776 triệu đồng.
Trong đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội (QLTT) với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã kiểm tra: 400 vụ, xử lý 350 vụ. Phạt hành chính 4 tỷ 182 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm8 tỷ 306 triệu đồng.
Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra, bắt giữ 180 vụ, xử lý 132 vụ. Phạt hành chính 1 tỷ 421 triệu đồng; truy thu thuế 6 tỷ 764 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm 787 triệu đồng. Khởi tố 11 vụ đối với 13 đối tượng.
Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 89 vụ, phạt hành chính: 435 triệu đồng; truy thu thuế 68 triệu đồng; trị giá hàng vi phạm 6 tỷ 50 triệu đồng.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra 151 tổ chức, cá nhân; xử phạt 16 trường hợp vi phạm với tổng số tiền là 223 triệu đồng.
Sở Y tế Hà Nội thanh tra, kiểm tra 73 tổ chức, cá nhân, xử phạt 34 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 632 triệu đồng.
Cục thuế thành phố Hà Nội thanh tra, kiểm tra 1.010 vụ, xử lý 1.004 doanh nghiệp vi phạm. Phạt hành chính 62 tỷ 972 triệu đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra: 125 tỷ 944 triệu đồng.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp kiểm tra, kiểm soát, nắm bắt thị trường.
Chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm.
Đồng thời, chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.
Tiếp tục công tác tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng trên địa bàn Thành phố.
Tổ chức kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm tới các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên địa bàn, và trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường, chợ, trung tâm thương mại…