Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán tạp hóa... và 455 chợ phân bổ khắp quận huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Hà Nội.
Thời gian hoạt động các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6h - 22h hàng ngày. Bên cạnh đó, các bưu cục, chuyển phát nhanh cũng tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu. Ở các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi như Circle K, Vinmart, Vinmart +, Co.op Food, Homefarm... đều có thêm thông tin liên lạc để giao hàng trực tuyến.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong ngày 25 và 26/7, tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa tại Hà Nội ổn định, các quận/huyện chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế.
Tại các chợ, lượng hàng hóa nông sản thực phẩm dồi dào đáp ứng nhu cầu của người dân. Giá cả các mặt hàng tại chợ ổn định, tuy nhiên, tại một số chợ giá tăng nhẹ đối với một số mặt hàng rau củ và thịt.
Tại các siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, lượng khách đến mua sắm ngày 26/7 vắng hơn so với hôm trước. Hệ thống siêu thị Vinmart lượng khách đến mua sắm giảm, tương đương ngày bình thường, hệ thống siêu thị Big C lượng khách giảm 30% so với hôm trước...
Một số hệ thống siêu thị đã tăng lượng cung ứng gấp 200% so với bình thường để đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân. Giá bán các mặt hàng tại siêu thị, chuỗi được niêm yết theo quy định, giá cả ổn định, không tăng so với bình thường.
Liên quan đến tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hàng hóa hiện đang rất dồi dào, các hệ thống phân phối đều tăng nguồn hàng, tăng cường nguồn nhân lực để phục vụ người tiêu dùng.
Người dân cũng rất bình tĩnh, không có tình trạng đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Hiện Hà Nội cũng chưa có tình trạng găm hàng, giữ giá đối với những mặt hàng thiết yếu.
Tuy nhiên, TP Hà Nội vẫn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cùng với Sở Công Thương và các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên túc trực kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch cũng như chương trình bình ổn giá.
Bên cạnh việc xây dựng phương án 3 cấp độ để đảm bảo nguồn cung hàng bình thường như 6 tháng đầu năm 2021 với số lượng dự trữ tăng 3 lần bình thường, hiện Sở cũng đề nghị hệ thống phân phối tăng thêm nguồn hàng.
16 doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất cam kết không để thiếu hàng, tăng giá
Trước đó, ngay sau khi Hà Nội áp dụng thực hiện theo nguyên tắc Chỉ thị 16 từ ngày 24/7, 16 doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất trên địa bàn đã cam kết không để thiếu hàng, tăng giá.
16 doanh nghiệp gồm: Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP; Công ty TNHH Bán lẻ BRG; Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam; Công ty TNHH TMQT và DVST BigC Thăng Long; Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Việt; Chi nhánh công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - Vissan Hà Nội; Công ty cổ phần thực phẩm Hương Sơn; Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Hà Nội; Công ty TNHH 2-9 Hà Tây; Chi nhánh Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam; Công ty cổ phần tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội; Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi; Công ty CP Công nghiệp thực phẩm Vinh Anh; Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân; Công ty cổ phần Ba Huân Hà Nội; Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ tổng hợp Đức Thành.
Trước diễn biến tình hình Covid-19 còn nhiều phức tạp, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30 - 50%, trong thời gian 3 tháng, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.