“Mức tăng trưởng ước đạt khoảng 8,6%. Đây là con số mà chúng tôi rất mong đợi nhưng đầu năm không dám nghĩ đến. Với mức tăng này, Hải Dương đứng thứ tư trong vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 trong cả nước về tốc độ tăng trưởng", ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã bắt đầu như thế khi kể với VnEconomy về hành trình vượt bão Covid-19 của tỉnh Hải Dương trong năm 2021.
Mức tăng trưởng kỳ vọng
Có nhiều thời điểm, báo chí, truyền thông đã nhắc đến cụm từ "toang, bung" khi một số khu công nghiệp xuất hiện hàng loạt ca F0 khiến Hải Dương phải phong tỏa diện rộng trong khoảng thời gian khá dài để dập dịch.
Nhưng nhờ sự chủ động, tích cực, với tinh thần “thích ứng linh hoạt”, Hải Dương từng bước kiềm chế dịch bùng phát, đồng thời đảm bảo khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường trên toàn địa bàn tỉnh.
Kết thúc năm đại dịch, Hải Dương mạnh mẽ vươn lên vị trí thứ tư trong các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (đạt 8,6%). Đây là những con số có ý nghĩa rất quan trọng, đánh giá, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng trong quá trình bứt tốc về đích của tỉnh. Cả 4 trụ cột kinh tế của Hải Dương theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đều có những bước phát triển tốt.
“Mức tăng trưởng ước đạt khoảng 8,6%. Đây là con số mà chúng tôi rất mong đợi nhưng đầu năm không dám nghĩ đến. Với mức tăng này, Hải Dương đứng thứ tư trong vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 trong cả nước về tốc độ tăng trưởng.” Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chia sẻ.
Hai lĩnh vực có sức tăng trưởng rất tốt mà Hải Dương rất “ưng ý” đó là nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng 6,8%, còn công nghiệp tăng trưởng 11,8%. Hai đầu tàu chủ đạo này đã kéo Hải Dương vượt khó, đi lên mặc dù năm 2021 cũng ghi nhận một dấu mốc chưa từng có tại địa phương này, đó là lĩnh vực xây dựng không có sự tăng trưởng.
Cùng với con số tăng trưởng vượt kỳ vọng, thu ngân sách của địa phương này cũng đã thiết lập một kỷ lục mới, tổng thu ước đạt 19.290 tỷ đồng, tăng khoảng gần 50% so với kế hoạch đặt ra.
Mặc dù có những thành quả ấn tượng, nhưng năm 2021 Hải Dương chưa thực sự hài lòng trong một số lĩnh vực, điển hình như thu hút đầu tư nước ngoài. Năm vừa qua do những tác động của đại dịch nên Hải Dương mới thu hút được 298,1 triệu USD, bằng 63% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, còn 3/14 chỉ tiêu không đạt khiến những cuộc họp tại Hải Dương căng hơn, đó chỉ tiêu vốn đầu tư phát triển/tổng giá trị sản phẩm chỉ đạt tỷ lệ 33%; Số doanh nghiệp mới thành lập tại địa phương này cũng giảm 7,4% so với năm 2020, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nội địa của tỉnh Hải Dương.
Cùng với đó là tiến độ thực hiện trình tự thủ tục đầu tư ở một số khâu vẫn chậm so với yêu cầu "tăng tốc", đặc biệt là dự án đầu tư về hạ tầng, bất động sản, thu hút đầu tư các dự án ngoài khu công nghiệp còn chậm. Công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến nhưng chưa mạnh mẽ, chưa thực sự thông thoáng. Môi trường đầu tư, kinh doanh chậm được cải thiện.
Công tác giải phóng mặt bằng cũng được Hải Dương xem là điểm nghẽn làm chậm tiến độ triển khai một số dự án. Vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Nhìn rõ những mặt được và chưa được của Hải Dương, ông Triệu Thế Hùng khẳng định, năm 2021 đã qua với nhiều thành quả tốt, đáng tự hào, nhưng chúng tôi không bằng lòng với những gì đạt được. Ngay từ đầu năm, các kế hoạch hành động với tinh thần quyết tâm nhất đã được kích hoạt. Chúng tôi tự tin xác định chủ đề phát triển của năm 2022 là “thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, đồng thời xây dựng các chỉ tiêu tăng trưởng cao - tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 10% trở lên.
Đặt mục tiêu cao hơn
Nhiệm vụ trọng tâm mà Hải Dương đặt ra vẫn là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng các kịch bản ứng phó, chủ động kinh phí hợp lý cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tính chủ động thể hiện ở chỗ: ngay khi bùng phát dịch, có thể triển khai biện pháp ứng phó phù hợp, có thể đáp ứng được ngay nhu cầu về kinh phí, với phương châm “không nói thiếu tiền” trong phòng chống dịch.
Đồng thời, khi không phát sinh nhu cầu cho phòng chống dịch, có thể chuyển đổi ngay cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cần thiết khác. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Nhiệm vụ cần quan tâm ngay từ đầu năm 2022 là tiếp tục hoàn thiện, trình Trung ương thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch chung thành phố Hải Dương; tổ chức triển khai các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành ngay sau khi được phê duyệt; Đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch vùng công nghiệp động lực và báo cáo các Bộ, cơ quan trung ương thẩm định, trình phê duyệt thành lập khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh.
Cùng với các nhiệm vụ triển khai đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng lớn trong khu vực, việc sớm hiện thực hóa các khu kinh tế chuyên biệt, vùng công nghiệp động lực sẽ hứa hẹn tạo sức bật lớn cho kinh tế của tỉnh trong nhiều năm tới.
Với tình hình dịch bệnh đang có những dấu hiệu tích cực, mục tiêu lớn trong năm 2022 của Hải Dương sẽ là tập trung thu hút đầu tư FDI có chất lượng. UBND tỉnh chủ trương và xây dựng kế hoạch cụ thể để thu hút các Nhà đầu tư vốn FDI thực sự có chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp xanh, công nghệ cao, …sử dụng ít tài nguyên, đất đai, tạo giá trị gia tăng cao, gây nguồn thu bền vững cho tỉnh trong tương lai.
Năm 2022, sẽ mở chiến dịch thu hút mạnh mẽ FDI thông qua xúc tiến đầu tư để nhanh chóng lấp đầy khu công nghiệp với diện tích khoảng 1.170 ha và 20 cụm công nghiệp với diện tích 1.244 ha, tổng diện tích khoảng 2.414 ha thu hút đầu tư FDI. Hết sức quan tâm để đón bắt làn sóng đầu tư nước ngoài, chuyển dịch vào Việt Nam với cơ hội mới.
Chủ tịch Triệu Thế Hùng cho biết, công việc sắp tới đặt ra rất nhiều, có nhiều nhiệm vụ hết sức khó khăn, UBND tỉnh Hải Dương xác định kiên trì thực hiện và yêu cầu các thành viên UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn phát huy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện với tinh thần “5 rõ”, “6 dám” cam kết hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.
Theo đó, "5 rõ" gồm rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm. "6 dám" là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách.
Với chiến lược như vậy, Chủ tịch Triệu Thế Hùng tin tưởng vào con đường mà Hải Dương đã chọn và quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra: Đến năm 2025 Hải Dương sẽ là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; Đến năm 2030, Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.