Theo UBND tỉnh Hải Dương, năm nay, toàn tỉnh hiện có 8.900 ha vải, trong đó Thanh Hà 3.250ha, thành phố Chí Linh 3.400ha, các huyện, thành phố, thị xã còn lại 2.250ha.
Trà vải sớm bắt đầu thu hoạch từ ngày 1-5, thu hoạch rộ từ ngày 25/5- 05/6/2022 với sản lượng ước trên 35.000 tấn; trà vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ 10-6, thu hoạch rộ từ 15 – 25/6 với sản lượng ước trên 25.000 tấn.
Đáng chú ý, tỉnh Hải Dương cũng có 598ha diện tích vải sản xuất an toàn với sản lượng dự kiến 6.000 tấn… Đánh giá ban đầu cho thấy quả vải thiều Thanh Hà, đặc sản của tỉnh Hải Dương năm nay có mẫu mã, chất lượng tốt hơn những năm trước.
Hải Dương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng, sản lượng cao. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ.
Hằng năm, Hải Dương cung ứng ra thị trường khoảng 750 ngàn tấn lúa gạo, 700 ngàn tấn rau, củ các loại, 300 ngàn tấn quả và khoảng 200 ngàn tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tổ chức đánh giá và công nhận cho 126 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao và 2 sản phẩm đề nghị 5 sao, dự kiến đến năm 2025, tỉnh có thêm 250-300 sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, Hải Dương có sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước. Vải được sản xuất theo tiêu chuẩn Gap, tiêu chuẩn xuất khẩu, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Những năm qua, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong tiêu thụ. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore...
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng năng nề của đại dịch Covid-19, nhờ có sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, các tổ chức thương mại trong và ngoài nước, công tác xúc tiến, tiêu thụ quả vải thiều đã đạt được kết quả cao. Giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020.
Cùng với việc tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu, tỉnh còn tổ chức tuần lễ xúc tiến thương mại và du lịch kéo dài 5 ngày (từ 28/5-1/6) để trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; các mặt hàng nông sản chủ lực, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm nông nghiệp thông minh, chế phẩm sinh học; thiết bị số và các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Đây là dịp để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0…
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương xây dựng các phương án, kịch bản đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều Thanh Hà và nông sản tại thị trường nước ngoài để Hải Dương có thể chủ động trong công tác sản xuất và tiêu thụ. Vải thiều Thanh Hà - Hải Dương đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao về chất lượng của nhiều đầu mối nhập khẩu nước ngoài.
Đồng thời, nhằm đem quả vải Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường quan trọng và mới; tích cực quảng bá hình ảnh và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều của Hải Dương cũng như các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khác.
Ngoài ra, Bộ cũng đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước. Phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về chất lượng, lợi ích, công dụng trong việc sử dụng quả vải nhằm kích cầu tiêu dùng của nhân dân, đồng thời tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.