Trước đó, vào ngày 13/4/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số
48/2015/TT-BTC về sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng,
dầu.
Theo đó, từ ngày 14/4/2015, các mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng RON92/95 giảm từ 35%
xuống còn 20%; dầu diesel giảm từ 30% xuống còn 20%; dầu hoả giảm từ 35% xuống 20%; dầu mazut giảm
từ 35% xuống 25% và nhiên liệu bay giảm từ 25% xuống 10%.
Đồng thời, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng sinh học (E5, E10), dầu sinh học (B5, B10) cũng được giảm về mức 20% nhằm khuyến khích sản xuất, phối trộn và tiêu dùng nhiên liệu sinh học trong nước.
Ông Phạm Đình Thi cho biết, việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MNF) với các mặt hàng xăng, dầu được cân nhắc, phù hợp với chu kỳ điều hành giá bán xăng dầu trong nước và quy định về dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc theo Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Việc điều chỉnh này cũng là sự tuân thủ cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA), ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Trung Quốc... đã ký kết.
Liên Bộ cho rằng lựa chọn thời điểm này nhằm cân đối lợi ích của DN và người tiêu dùng, còn DN không được hưởng lợi nhiều hơn.
Ông Thi dẫn quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, theo đó DN phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày. Điều đó có nghĩa là DN vẫn phải chịu thuế nhập khẩu mức cũ khá cao (35% đối với xăng; 30-35% đối với mặt hàng dầu…) với lượng hàng bán ra trước ngày 1/5/2015.
Sau ngày 1/5/2015, DN sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu thấp hơn, tuy nhiên, phần thuế này phải nộp ngay khi hàng nhập về tới cửa khẩu. Trong khi đó tới thời điểm này, mức thuế bảo vệ môi trường mới (tăng lên) cũng được áp dụng; DN sẽ khai thuế và nộp khi bán hàng tới tay người tiêu dùng. Như vậy, DN không được hưởng lợi nhiều từ việc giảm thuế nhập khẩu này.
Ông Thi cũng cho biết, nguồn thu tăng lên từ việc tăng thuế môi trường sẽ được sử dụng căn cứ vào Luật Ngân sách hiện hành.
Trước ý kiến của một số báo nêu về việc Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất khi thực hiện hội nhập sẽ khó cạnh tranh, vì các DN chuyển sang mua xăng dầu từ các nước trong ASEAN để hưởng biểu thuế ưu đãi đặc biệt (ATIGA), ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho rằng lần điều chỉnh giảm thuế ưu đãi (MFM) theo Thông tư lần này đã xử lý được vấn đề đó.
Cụ thể, theo Thông tư mới ban hành, mặt hàng xăng theo biểu thuế MFM cũ được áp dụng cho Lọc dầu Dung Quất chịu thuế suất 35% sẽ giảm còn 20%, bằng biểu thuế ATIGA. Các mặt hàng dầu chênh lệch cũng điều chỉnh giảm.
Trước một số ý kiến băn khoăn về việc chính sách giá xăng dầu sẽ thế nào khi các nhà máy lọc dầu trong nước đi vào hoạt động, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu hơn, ông Tuấn cho biết, ngay cả khi trong nước sản xuất thì giá xăng dầu vẫn phụ thuộc nhiều vào giá thế giới do chúng ta vẫn phải nhập khẩu dầu thô. Vì vậy, việc điều hành giá sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố vào thời điểm đó.