Sáng 4/8, Viện Nghiên cứu Châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Viện Pháp luật Kinh doanh và đầu tư châu Âu tổ chức Hội thảo khoa học "Hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA: Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam".
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là một trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được Việt Nam ký kết, thực hiện với phạm vi cam kết rộng và tiến độ thực hiện nhanh, tỷ lệ tự do hoá thuế quan về cơ bản đạt trên 90%, thực hiện trong vòng 7 năm.
Các chuyên gia tham dự Hội thảo nhận định, trong bối cảnh thị trường thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và gần đây là xung đột giữa Nga và Ukraina, việc thực thi Hiệp định EVFTA đã mang lại những tác động tích cực cho cả quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - EU cũng như các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.
Kết quả tích cực hơn so với năm đầu thực thi Hiệp định
Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), sau 2 năm thực thi Hiệp định, các doanh nghiệp đã bắt đầu thể hiện tính tích cực hơn và những lợi ích của hiệp định đem lại rõ rệt hơn.
Mặc dù giai đoạn ban đầu thực hiện Hiệp định, bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, đại dịch COVID-19 bùng nổ và đứt gãy chuỗi cung ứng đã tạo khó khăn rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu cũng như cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên việc tận dụng hiệu quả những cam kết của Hiệp định đã mang đến những con số gia tăng về xuất khẩu và xu hướng khả quan về đầu tư.
Về thương mại, năm 2021, thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57 tỷ USD (không tính 6,6 tỷ USD thương mại với Anh), tăng 14,5% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% và nhập khẩu đạt 16,9 tỷ USD, tăng 15,3%. Thặng dư thương mại năm 2021 là 23,2 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. Các thị trường thương mại chủ chốt của ta là Đức (chiếm khoảng gần 20 tổng thương mại của Việt Nam với EU), tiếp theo là Hà Lan (khoảng 15%), Italia (gần 10%), rồi đến Pháp, Ireland và Bỉ.
Sáu tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 23,83 tỷ USD, tăng 22,8% và nhập khẩu đạt 7,88 tỷ USD, giảm 4,6%. Thị trường này tiếp tục có thặng dư thương mại khoảng 16 tỷ USD (thặng dự thương mại của Việt Nam với thế giới là 743 triệu USD).
Kết quả tận dụng Hiệp định có sự gia tăng thể hiện rõ nét xét theo ngành hàng. Trong năm đầu tiên thực thi, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng nhưng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU lại giảm, ví dụ như mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (giảm 27,9% so với năm 2020), hàng dệt may (giảm 15,2% so với năm 2020) và giày dép các loại (giảm 11,3%). Tuy nhiên, sang năm thực thi thứ hai, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã phục hồi và gia tăng đáng kể, với hàng dệt may tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, gạo tăng 42,9%, hạt tiêu tăng 81,3%, thuỷ sản tăng 22,7%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 20,9%...
Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, sắt theo các loại và sản phẩm từ sắt thép. Các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất là sắt thép và sản phẩm từ sắt thép (147%), hạt tiêu (81,3%), cà phê (62,7%), gạo (42,9%), hải sản (22,7%).
Đây cũng là một trong những hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất so với những hiệp định khác. Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như gạo (100%), giày dép (98%), thủy sản (gần 80%), nhựa và sản phẩm nhựa (hơn 70%)...
Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao
Theo bà Ngọc, lĩnh vực thương mại hàng nông sản tận dụng khá tốt EVFTA. Tuy EU là thị trường có những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm ngặt nghèo, nhưng do doanh nghiệp đã được chuẩn bị sẵn những kiến thức và giấy phép cần thiết, do vậy, khi EVFTA có hiệu lực thì nhóm hàng nông thủy sản của Việt Nam đã thể hiện việc tận dụng ưu đãi nhanh nhất trong Hiệp định này và con số tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu tương đối toàn diện ở nhiều nhóm hàng.
Đáng chú ý, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU hiện nay không chỉ tăng đơn thuần về mặt số lượng mà đã có chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản của chúng ta sang một số nhóm mà có giá trị gia tăng cao hơn.. Ví dụ, mặt hàng gạo xuất khẩu sang thị trường EU có giá trung bình cao hơn khoảng gấp đôi so với giá xuất khẩu sang các thị trường khác. Ngoài ra, những mặt hàng chế biến, chế tạo cũng có những bước tăng trưởng tương đối khá, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị tăng trưởng trên 20%, một số ngành khác cũng đã tận dụng rất tốt cơ hội, trong đó một số mặt hàng chủ lực có tỷ lệ sử dụng C/O cao như dệt may tăng 15,7%...
Công nghiệp công nghệ cao - lĩnh vực EU đầu tư chủ yếu tại Việt Nam
Về đầu tư, mặc dù chưa phải là địa điểm đầu tư lớn của EU, song cùng với EVFTA, xu hướng đầu tư từ EU vào Việt Nam đang tăng lên. Năm 2021, một số quốc gia thuộc EU đã gia tăng mạnh mẽ đầu tư vào Việt Nam như Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ai-len (235%) và Bỉ (284%). "Điều này cho thấy các nhà đầu tư của EU đang đặt nhiều lòng tin vào Việt Nam, với sự bảo hộ tốt hơn qua các cam kết của EVFTA", bà Ngọc cho biết.
Về hình thức đầu tư, có sự chuyển dịch về cách đầu tư. Tỷ trong đầu tư thực hiện theo hình thức góp vốn mua cổ phần tăng nhanh, từ mức 20,9% năm 2018 lên 40,2% năm 2020 và 58% cho đến hết năm 2021.
Về lĩnh vực đầu tư, các lĩnh vực đầu tư từ EU cũng được trải đều hơn so với FDI từ Nhật Bản và Hàn Quốc. EU đã đầu tư vào hầu hết các ngành tại Việt Nam (18/21 ngành), trong đó tập trung ở công nghiệp chế biến, chế tạo (chủ yếu ở các ngành như lọc hóa dầu, dệt may, điện tử, chế biến thực phẩm và phương tiện vận tải); sản xuất, phân phối điện, khí; bất động sản; thông tin và truyển thông.
Việc thực hiện những cam kết về mở cửa thị trường theo EVFTA tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối, công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...
Cũng liên quan đến đầu tư từ EU trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA, TS.Hoàng Xuân Trung, Viện Nghiên cứu Châu Âu thông tin, trong số các đối tác EU, Hà Lan là quốc gia có vốn FDI đổ vào Việt Nam nhiều nhất; thứ hai là Cộng hòa Pháp và thứ ba là CHLB Đức.
Lĩnh vực FDI mà EU đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các ngành công nghiệp dựa trên công nghệ cao. Một số tập đoàn hiện nay đang có xu hướng chuyển đầu tư sang các ngành dịch vụ, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm và năng lượng sạch. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư EU đang có xu hướng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch ở Việt Nam, trong đó đáng chú ý là năng lượng điện gió ngoài khơi.
"Với EVFTA là chất xúc tác, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫp dẫn thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao", TS.Trung nhận định và dẫn chứng sau một thời gian thực hiện EVFTA, theo bảng xếp hạng GII năm 2021 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam xếp thứ 44 trong tổng số 132 quốc gia, thấp hơn so với thứ hạng 42 của năm 2019 và năm 2020, song vẫn đứng đầu trong nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập.
Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) công bố vào tháng 02/2022, Việt Nam đang dần vươn lên trở thành trung tâm công nghệ mới ở khu vực Đông Nam Á. Mặc dù tổng giá trị sản lượng hàng hóa của nền kinh tế Internet còn tụt hậu so với một số quốc gia trong khu vực, chỉ đạt khoảng 21 tỷ USD trong năm 2021, song con số này có thể tăng lên 150 tỷ USD- 220 tỷ USD vào năm 2030 (theo Center for Strategic and International Studies, 2022).
Bên cạnh những tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác của nền kinh tế - xã hội Việt Nam, các chuyên gia cho rằng việc thực thi Hiệp định EVFTA còn tồn tại một số hạn chế, đồng thời sẽ còn không ít thách thức phải đối mặt trong thời gian tới khi xu hướng thị trường, những quy định, chính sách thương mại - đầu tư của thế giới nói chung và EU nói riêng đang có sự chuyển dịch, thay đổi mạnh mẽ.
Tạp chí Công Thương sẽ thông tin và phân tích cụ thể hơn về những xu hướng mới này trong các bài viết tiếp theo.