Thu hút vốn FDI trong điều kiện thực hiện CPTPP và EVFTA

ThS. PHẠM ĐỨC TÀI (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, Việt Nam rất tích cực tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết thực hiện 15 FTA có hiệu lực và hiện đang đàm phán 02 FTA. Nổi bật trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA), được cho là những FTA thế hệ mới. Các FTA này có những quy định mới về thương mại và đầu tư so với các hiệp định thương mại mà nước ta đang tham gia. Điều này vừa tạo cơ hội mới, vừa là thách thức đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Bài viết này bàn về thu hút vốn FDI trong điều kiện thực hiện CPTPP và EVFTA.

Từ khóa: thu hút vốn, FDI, CPTPP, EVFTA.

1. Tổng quan về CPTPP và EVFTA

Hiệp định CPTPP: gồm 7 điều và 1 phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định TPP đã được 12 nước gồm Ốt-xtrây-lia, Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Ca-na-đa, Chi-lê, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam, ký ngày 06 tháng 2 năm 2016 tại Niu Di-lân; cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP.

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục), nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.

Hiệp định EVFTA: là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định gồm 17 chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

2. Thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong điều kiện thực hiện CPTPP và EVFTA

2.1. Thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong điều kiện thực hiện CPTPP   

Sau hơn 3 năm gia nhập CPTPP, vốn cấp mới FDI của các nước đối tác có xu hướng kém lạc quan, nhưng không đáng ngại, bởi trong bối cảnh đầu tư FDI toàn cầu giảm, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đi kèm với những thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản.

Để có cái nhìn tổng quan, tác giả tổng kết vốn FDI đăng ký từ 6 quốc gia thành viên CPTPP gồm Mehico, Nhật Bản, Singapore, Newzealand, Canada và Australia qua giai đoạn từ 2018-2021 như sau:

Qua Bảng 1, từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy, kết quả năm đầu thực thi CPTPP không mấy khả quan. Năm 2020, kết quả thu hút FDI từ khối CPTPP đạt 11.496 triệu USD, tăng 25,3% so với năm 2019 trong bối cảnh tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút trong năm này giảm gần 25%. Năm 2021, thu hút vốn FDI từ khối các nước CPTPP đã đạt gần mức 15 triệu USD tăng 28% so với năm 2020, cho thấy thu hút vốn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài trong khối CPTPP hứa hẹn sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Tín hiệu lạc quan từ các nhà đầu tư cho thấy tập trung đến từ các đối tác mới nổi thuộc thị trường Mexico và Canada.

Số liệu thu hút vốn FDI vào Việt Nam từ Mexico thể hiện qua Bảng 2.

Trước khi ký kết CPTPP, Mexico chưa đầu tư FDI vào thị trường Việt Nam. Năm 2018, Mexico có dự án đầu tiên với giá trị 0,01 triệu USD. Sau khi Việt Nam chính thức thực thi CPTPP, Mexico có 2 dự án đầu tư với giá trị 0,11 triệu USD. Năm 2020, Mexico đầu tư dưới hình thức góp vốn mua cổ phần với 2 lượt và giá trị vốn góp mua cổ phần là 0,02 triệu USD. Sang năm 2021, Mexico đầu tư thêm mới 1 dự án với giá trị 0,022 triệu USD. Mặc dù đây là con số rất nhỏ so với các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Singapore hay Newzealand,… nhưng đã bước đầu cho thấy việc thực thi CPTPP có tác động đến thu hút vốn FDI vào Việt Nam.

Về Canada: đây là đối tác truyền thống của Việt Nam, xét theo số liệu lũy kế hết năm 2021, Canada xếp thứ 14 trong số các đối tác đầu tư FDI vào Việt Nam (Bảng 3).

Trong các năm 2016, 2017, 2018, số dự án cấp mới còn chưa nhiều (15; 7 và 14 dự án). Sang các năm 2019, 2020 và 2021, sau khi CPTPP thực thi tại Việt Nam, số dự án mới của Canada đầu tư vào Việt Nam tăng cao (28, 22 và 20 dự án). Đặc biệt trong năm 2019, khi CPTPP mới có hiệu lực chính thức, tất cả các số liệu FDI từ Canada đều tăng vọt: quy mô vốn đăng ký năm 2019 là 31,28 triệu USD tăng lên 7,3 lần so với năm 2018; quy mô vốn bình quân dự án tăng từ 0,31 triệu USD/1 dự án lên 1,12 triệu USD/1 dự án. Năm 2019, số lượt góp vốn mua cổ phần cũng tăng lên 107 lượt (tương đương mức tăng 84,5%) so với 58 lượt của năm 2018; giá trị góp vốn mua cổ phần cũng tăng cao: 81,11 triệu USD lên 145,86 triệu USD. Đây là dấu ấn rõ nhất cho thấy CPTPP tác động đến thu hút vốn FDI của Việt Nam. Năm 2020 và năm 2021, do tác động của đại dịch Covid-19, các số liệu đều giảm so với năm 2019, song quy mô vốn đăng ký, số dự án cấp mới và số lượt góp vốn mua cổ phần vẫn cao hơn so với năm 2018.

2.2. Thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong điều kiện thực hiện EVFTA

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực giữa Việt Nam với 27 nước thành viên EU mới có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, chính vì vậy, tác động của EVFTA đến thu hút vốn FDI vào Việt Nam chưa nhiều. Để đánh giá sơ bộ thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong điều kiện thực hiện EVFTA, bài viết phân tích 2 đối tác lớn nhất của Việt Nam đến từ khu vực EU là Hà Lan và Pháp.

Số liệu thu hút vốn FDI từ Hà Lan từ năm 2016 đến năm 2021 thể hiện qua Bảng 4.

Trong số 27 quốc gia thành viên EU có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Hà Lan luôn dẫn đầu về số vốn đăng ký. Bảng số liệu trên ghi nhận, FDI từ Hà Lan tăng vọt trong năm 2021 (từ 565,3 triệu USD năm 2019 lên 1.122,32 triệu USD năm 2021 tương đương mức 98,53%), trong tình hình chung thu hút vốn FDI của Việt Nam năm 2021 vẫn còn giảm sút. Như vậy, EVFTA đã tỏ ra có ảnh hưởng tới quyết định tăng cường đầu tư FDI của Hà Lan vào Việt Nam.

Với Pháp, số liệu về thu hút FDI vào Việt Nam từ quốc gia này trong giai đoạn 2016-2021 thể hiện qua Bảng 5.

Bảng 5 cho thấy, đối với các nhà đầu tư Pháp, EVFTA hiện tại chưa cho thấy tác động nhiều khi quy mô vốn đăng ký giảm so với năm 2019. Quy mô vốn cấp mới tăng trong năm 2020 (từ 37,13 triệu USD năm 2019 lên 43,86 triệu USD) và số dự án cấp mới tăng từ 44 lên 52, nhưng sang năm 2021, các chỉ tiêu này đều quay đầu giảm, do dịch bệnh làm ảnh hưởng lớn tới quyết định của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các dự án FDI của Pháp vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ cao chiếm tỷ lệ lớn. Điều này thể hiện EVFTA tác động đến thu hút vốn FDI chú trọng vào lĩnh vực công nghệ cao và chất lượng.

Như vậy, lượng vốn FDI từ EU vào Việt Nam còn chưa ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng về vốn, công nghệ, kỹ thuật của các nhà đầu tư EU. Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể để tiếp cận, thâm nhập thị trường, cũng như thu hút FDI từ các nước EU.

3. Một số giải pháp thu hút vốn FDI trong điều kiện thực hiện CPTPP và EVFTA

Việc tham gia CPTPP và EVFTA đem đến những cơ hội thu hút vốn FDI có chất lượng cao cho Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có những giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Chính phủ, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác rà soát tính tương thích và chuẩn bị cho việc xây dựng các quy định pháp luật phù hợp với các cam kết thể chế trong CPTPP và EVFTA. Các bộ, ngành chịu trách nhiệm dự thảo các văn bản, quy định nội luật hóa cam kết CPTPP và EVFTA để tiến hành triển khai hiệu quả.

Thứ hai, hoàn thiện cơ sở vật chất, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng là yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút FDI từ quốc tế. Công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, thị trường,... hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, liên thông với các lĩnh vực lao động, đất đai, thuế, hải quan, tín dụng, ngoại hối,... và các địa phương. Nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, chú trọng thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc.

Thu hút vốn FDI theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước bằng cách: Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, đầu tư khoa học công nghệ tại doanh nghiệp bằng các lợi ích cụ thể liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường công tác tự đào tạo, đào tạo tại chỗ và đào tạo lồng ghép trong doanh nghiệp. Nguồn nhân lực của Việt Nam phải sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Để "hòa nhập" vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI,Việt Nam cần phải có doanh nghiệp đủ chất lượng để tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài. Cần có quy hoạch phát triển các ngành, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, xác định các ngành xuất khẩu mũi nhọn.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư.

Hoạt động xúc tiến đầu tư rất cần thiết, nhằm thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong điều kiện thực hiện các FTA thế hệ mới. Cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO;

  1. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016-2021), “Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài”.
  2. Nguyễn Mại (2022), “Thu hút FDI trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP, EVFTA cùng các FTA thế hệ mới”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 2 năm 2022.
  3. Lê Thị Thúy (2017), “Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 5 (114) - 2017.
  4. Trần Thị Bích Tuyền (2021), “Thu hút FDI vào Việt Nam từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Cơ hội và thách thức” Tạp chí Công Thương, số 21, tháng 9 năm 2021.

Attracting FDI in the context of the implementation of the CPTPP and the EVFTA

Master. Pham Duc Tai

University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Vietnam has actively participated in negotiating and signing bilateral and multilateral Free Trade Agreements (FTAs). Up to now, Vietnam has officially joined, signed and implemented 15 FTAs ​​and the country is negotiating two FTAs. The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTTP) and the EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA)  are considered the most prominent FTAs for Vietnam. These two FTAs ​​have new regulations on trade and investment compared to previous FTAs that Vietnam is participating in. It creates both new opportunities and challenges for Vietnam to attract foreign direct investment (FDI). This paper discusses the FDI attraction of Vietnam when the country implements the CPTPP and the EVFTA.

Keywords: capital attraction, FDI, the CPTPP, the EVFTA.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2022]